Hà Nội

Đại học Kinh-Công đào tạo Y khoa: Những điều không có được

03-12-2015 10:30 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trước khi đi vào từng điểm chính, tôi muốn chúng ta đồng ý với nhau rằng: đào tạo ra một bác sỹ tây Y (sau khi tốt nghiệp hệ “bác sỹ đa khoa”) và dược sỹ tây Y (sau khi tốt nghiệp hệ “dược khoa”) là rất quan trọng, vì bố mẹ, con cháu của bất kỳ ai trong chúng ta sẽ có thể cần đến họ trong tương lai. Tính mạng và tương lai giống nòi của chúng ta ít nhiều phụ thuộc vào họ.

Có một điểm mà ngay từ khi bắt đầu đọc bài viết này, chúng ta cần thống nhất với nhau: Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký quyết định đồng ý mở mã ngành đào tạo Y khoa hệ Bác sỹ đa khoa và hệ Dược sỹ tại Đại học Kinh doanh Công nghệ (Viết gọn là Kinh-Công). Như vậy nếu dư luận phản đối quá dữ dội thì chỉ có các nhà lãnh đạo vĩ mô mới biết cách phải làm gì và vì thế trong phạm vi bài viết này, chúng ta không bàn luận về vấn đề đó. Tôi xin đề cập đến một số điểm mà “đào tạo Y khoa không thể thiếu” nhưng sẽ thiếu ở Đại học Kinh – Công.

Trước khi đi vào từng điểm chính, tôi muốn chúng ta đồng ý với nhau rằng: đào tạo ra một bác sỹ tây Y (sau khi tốt nghiệp hệ “bác sỹ đa khoa”) và dược sỹ tây Y (sau khi tốt nghiệp hệ “dược khoa”) là rất quan trọng, vì bố mẹ, con cháu của bất kỳ ai trong chúng ta sẽ có thể cần đến họ trong tương lai. Tính mạng và tương lai giống nòi của chúng ta ít nhiều phụ thuộc vào họ.

Điểm thứ nhất: cơ sở thực hành. Hiện nay Đại học Kinh – Công đang lấy cơ sở thực hành là 4 bệnh viện trong đó tiêu biểu nhất là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: một bệnh viện mới được nâng cấp gần đây thành bệnh viện hạng một của thành phố Hà Nội. Với những đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được đây là một bệnh viện chuẩn mực về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên xét về mặt đào tạo thì liệu đây có phải là một cơ sở đào tạo Y khoa chuẩn mực? Mới chỉ vài năm trước, bệnh viện đa khoa Đức Giang còn là một cơ sở thực tế cho sinh viên Đại học Y Hà Nội đi … thực tập tại cộng đồng, điều này đủ để chúng ta tưởng tượng được sự khác biệt. Dù mới được đầu tư gần đây nhưng nhân lực của họ chưa chắc đã đủ kinh nghiệm để vận hành hệ thống, máy móc và kỹ thuật mới, cũng như chưa chắc đã đủ kinh nghiệm lâm sàng để đào tạo cho sinh viên Y khoa – những bác sỹ tương lai. Hãy nhìn vào các trường đại học Y lớn tại Việt Nam: các cơ sở đào tạo thực hành dành cho sinh viên nằm ở nhiều bệnh viện khác nhau và đều là các bệnh viện lớn với rất nhiều mặt bệnh phong phú và chuyên sâu.

Điểm thứ hai: đội ngũ đào tạo. Ngành Y của chúng ta rất tự hào vì luôn có những người thầy tâm huyết và nhiều kinh nghiệm đi trước. Tiếp xúc với những người thầy ấy khi còn là sinh viên Y khoa sẽ giúp cho các bác sỹ tương lai định hình được tâm-đức-tài của ngành Y ra sao. Thế hệ chúng tôi may mắn được tiếp xúc với Giáo sư Bách, một người thầy tâm huyết với nghề, với sinh viên. Thầy là một người gần gũi với sinh viên, với người bệnh. Thầy giảng giải mọi thứ bằng tâm huyết và khoa học, đưa sinh viên đến với kiến thức bằng những lời lẽ giản dị. Một người thầy khác cũng rất đáng kính và đến bây giờ vẫn đang miệt mài cống hiến cho Y khoa Việt Nam, đó là Giáo Sư Nguyễn Lân Việt. Tiếp xúc với thầy Việt một lần thôi, sinh viên Y sẽ có ý thức trân trọng mạng sống con người, sẽ cẩn trọng hơn trong suy nghĩ và quyết định của mình khi khám và điều trị cho bệnh nhân. Và còn rất nhiều người thầy nữa đang công tác ở các bệnh viện lớn, đã giúp chúng tôi hiểu rằng Y khoa không đơn giản chỉ là một nghề, đó là một sứ mệnh.

Điểm thứ ba: nội dung đào tạo. Vì sao trước đây Hàn Quốc đã phải bỏ ra một số tiền lớn để mua chương trình đào tạo đầy đủ của Nhật Bản, đem về áp dụng giảng dạy cho con cháu họ? Vì họ ý thức được rằng: một cái khung rỗng không giúp che chắn được cho cả dân tộc. Chương trình học là điểm cốt yếu tạo nên sự thành công của mỗi hệ thống giáo dục nói chung và mỗi trường đại học nói riêng. Xây dựng cơ sở vật chất bao gồm các phòng học và phòng thí nghiệm chỉ là bước sơ khai để phục vụ cho công tác đào tạo. Điểm cốt lõi là chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy Y khoa mang nhiều đặc thù của ngành khoa học về con người nên cần có thiết kế khoa học và chặt chẽ. Ví dụ như gần đây, Bệnh viện Vinmec đã phải đầu tư để mua các chương trình đào tạo của Đại học Y Hà Nội cho trường Y khoa của mình. Mặt khác, với 80 tỷ đồng nhìn qua có vẻ lớn, song so với đầu tư Y tế thì chỉ là một khoản tiền nhỏ, tương đương với việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng của một bệnh viện quy mô nhỏ mà thôi, chứ chưa nói đến phần nội dung bên trong.

Điểm thứ tư: niềm tin. Dịch vụ Y tế đòi hỏi rất cao ở sự tin tưởng. Nếu không có sự tin tưởng này thì thảm họa sẽ xảy ra: người dân tự chữa bệnh, còn bác sỹ thất nghiệp phải chuyển sang điều trị thú y hết. Vậy niềm tin này được xây dựng từ đâu? Không hiểu ai đó có suy nghĩ: đầu vào không quan trọng nếu như siết chặt đầu ra? Nếu chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào, đương nhiên đầu ra sẽ thấp và thiếu, vậy đó là một sự lãng phí (xét về khía cạnh kinh tế toàn dân). Tại sao chúng ta phải đi nhặt từng hạt thóc trong khi hoàn toàn có thể sàng lọc trước để thu được gạo tinh hơn rồi sau đó chọn lọc? Bác sỹ là một danh xưng chung và chúng tôi, những người bác sỹ vẫn đang ngày đêm khổ công học tập, cảm thấy không an tâm nếu như sau này có ai đó làm tổn hại đến cái danh xưng đó. Niềm tin của người dân vào Y tế sẽ sụt giảm nếu chúng ta đào tạo bừa bãi, nếu chúng ta tuyển sinh bừa bãi, và nếu chúng ta tư duy quá đơn giản về đào tạo y tế. Khi ấy, thảm họa sẽ xảy ra.

Bây giờ, hãy tưởng tượng nếu bạn là sinh viên Y khoa của đại học Kinh – Công: khi vào trường bạn sẽ không có được sự tin tưởng của cộng đồng, khi học bạn sẽ không lĩnh hội được đầy đủ tâm – đức – tài của ngành Y, khi ra trường bạn sẽ bị thắt chặt đầu ra  và chưa chắc đã có cơ hội hành nghề như một bác sỹ, cho dù có hành nghề như một bác sỹ rồi, dù bạn có ở vị trí nào (ví như bạn là con cháu của một ai đó và may mắn được ở vị trí cao hơn người khác) nhưng đồng nghiệp và người dân vẫn sẽ không tôn trọng bạn.

Lời kết: chúng ta không biết vì sao đại học Kinh – Công quyết tâm đào tạo Y khoa, đặc biệt là đào tạo hệ bác sỹ đa khoa – hệ đào tạo cao nhất trong bậc đại học của ngành Y. Nhưng căn cứ vào những con số ban đầu chúng ta có thể thấy họ chưa thực sự hiểu được tất cả sự chuẩn bị này còn rất sơ sài: 80 tỷ đầu tư tưởng rằng nhiều nhưng hóa ra rất ít, 20 điểm đầu vào rõ ràng hạ thấp chất lượng tuyển sinh, bệnh viện thực hành chỉ có một vài bệnh viện còn non nớt trong chuyên môn, 47 giảng viên đa số đã nghỉ hưu và thiếu người đang trực tiếp làm việc tại các bệnh viện lớn, chương trình đào tạo không rõ ràng, không có được niềm tin của giới chuyên môn và của cộng đồng. Thiết nghĩ, đại học Kinh – Công nên xem xét lại về mục tiêu đào tạo này. Nếu đã “lỡ” đầu tư quá nhiều tiền cho việc cấp phép thì nên hiểu rằng, đào tạo Y khoa cần nhiều tiền và tâm hơn thế, nên chăng hãy chuẩn bị tốt hơn nữa, hoặc chuyển đổi sang đào tạo các hệ thấp hơn trong Y khoa.

Nhưng căn cứ vào những con số ban đầu chúng ta có thể thấy họ chưa thực sự hiểu được tất cả sự chuẩn bị này còn rất sơ sài: 80 tỷ đầu tư tưởng rằng nhiều nhưng hóa ra rất ít, 20 điểm đầu vào rõ ràng hạ thấp chất lượng tuyển sinh, bệnh viện thực hành chỉ có một số bệnh viện mới thoát mức cộng đồng và còn non nớt trong chuyên môn, 47 giảng viên đa số đã nghỉ hưu và thiếu người đang trực tiếp làm việc tại các bệnh viện lớn, chương trình đào tạo không rõ ràng, không có được niềm tin của giới chuyên môn và của cộng đồng. Thiết nghĩ, đại học Kinh – Công nên xem xét lại về mục tiêu đào tạo này.


BS.Thanh Huyền
Ý kiến của bạn