Đại học Harvard bất tuân lệnh, Nhà Trắng ‘khai hỏa’ mặt trận mới

16-04-2025 10:55 | Quốc tế
google news

Tổng thống Trump đe dọa tước quy chế miễn thuế của Harvard, gia tăng chiến dịch gia tăng áp lực có thể gây tổn thất hàng tỷ USD lên trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ.

Đại học Harvard bất tuân lệnh, Nhà Trắng ‘khai hỏa’ mặt trận mới- Ảnh 1.

Khuôn viên Đại học Harvard tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tờ New York Times cho biết, Tổng thống Trump ngày 15/4 đã đe dọa tước quy chế miễn thuế của Đại học Harvard sau khi ngôi trường danh tiếng bác bỏ yêu cầu của chính quyền về một loạt các thay đổi chính sách. Đây là một sự leo thang đáng kể trong mối bất hòa giữa tổng thống và trường đại học giàu có và lâu đời nhất nước Mỹ.

Cuộc đối đầu mới

Mối đe dọa này xuất hiện một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump dừng hơn 2 tỷ USD tiền tài trợ liên bang cho Harvard vì trường đại học này từ chối thay đổi các hoạt động tuyển dụng, tuyển sinh và chương trình giảng dạy. Theo một người hiểu biết về các cuộc thảo luận của tổng thống, ông Trump đã quyết định tăng cường chiến dịch gây áp lực của mình sau khi nắm được thông tin về sự phản đối của trường Harvard vào đêm 14/4.

“Có lẽ Harvard nên bị tước quy chế miễn thuế và bị đánh thuế như một thực thể chính trị nếu trường này cứ tiếp tục cổ súy cho những thứ ‘bệnh tật’ mang màu sắc chính trị, ý thức hệ và thậm chí là truyền cảm hứng hoặc ủng hộ khủng bố như thế này? Hãy nhớ rằng, quy chế miễn thuế hoàn toàn phụ thuộc vào việc hành xử vì LỢI ÍCH CÔNG CỘNG!” – ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social vào sáng 15/4.

Cùng ngày, các quan chức Nhà Trắng cho biết Sở Thuế vụ sẽ đưa ra quyết định về tư cách miễn thuế của Harvard một cách độc lập, tuy nhiên Tổng thống Trump đã nói rõ trong cuộc họp riêng rằng ông không có ý định lùi bước trong cuộc chiến với trường đại học này.

Việc bị tước quy chế miễn thuế theo thời gian có thể khiến Harvard thiệt hại hàng tỷ USD.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và giới học thuật nói chung. Chính quyền ông Trump trước đây từng đe dọa cắt hàng tỷ USD tài trợ liên bang cho nhiều trường cao đẳng và đại học – lấy danh nghĩa là để thanh lọc các trường khỏi hệ tư tưởng “thức tỉnh” vốn bị coi là đang lan tràn trong các cơ sở giáo dục Mỹ. Các quan chức chính quyền Trump cho rằng những trường như Harvard là “hang ổ” của chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa tinh hoa, và là nơi bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Theo luật liên bang, tổng thống bị cấm “trực tiếp hoặc gián tiếp” chỉ đạo Sở Thuế vụ (IRS) tiến hành một cuộc điều tra thuế cụ thể nào đó, và hiện vẫn chưa rõ liệu cơ quan này có thực sự xúc tiến việc điều tra hay không. Người phát ngôn của Sở Thuế vụ đã từ chối bình luận.

“Việc sử dụng hệ thống thuế để truy bức có chọn lọc các đối thủ chính trị là hành vi mang dáng dấp độc tài”, ông Lawrence Summers – cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cựu Hiệu trưởng Harvard – phát biểu. “Đây là điều không thể chấp nhận được và hoàn toàn sai trái, nhưng cũng là sự tiếp nối của những gì mà chúng ta từng thấy trong cách ông Trump đối xử với các trường đại học và với việc thực thi luật thuế.”

Các quan chức Harvard hiện chưa đưa ra bình luận nào trước yêu cầu từ báo chí.

Quy chế miễn thuế - không dễ rút bỏ?

Thông thường, các tổ chức phải nộp đơn để được công nhận quy chế miễn thuế. Sở Thuế vụ có thể tiến hành kiểm toán và, trong một số trường hợp, thu hồi quy chế này nếu cơ quan phát hiện tổ chức có quá nhiều hoạt động mang tính chính trị hoặc thương mại. Theo các cựu quan chức IRS, các tổ chức có thể kháng cáo quyết định đó ra tòa hoặc đàm phán để giữ nguyên quy chế.

Ông John Koskinen – cựu ủy viên IRS – cho rằng khả năng Sở Thuế vụ có thể thành công trong việc tước bỏ quy chế miễn thuế của Harvard là rất thấp, xét đến chức năng giảng dạy và nghiên cứu toàn diện của trường. Tuy vậy, chỉ riêng việc phải ra tòa để tranh tụng về vấn đề này cũng có thể trở thành một hình thức gây áp lực và đe dọa đối với Harvard.

"Cơ hội để IRS thực sự thu hồi tình trạng miễn thuế của một trường đại học lớn là gần như không có", ông Koskinen đánh giá, "Vấn đề là bạn đang khiến mọi người tốn nhiều thời gian và tiền bạc để phản hồi và bảo vệ hành động của họ".

Nhờ tình trạng miễn thuế, trường Harvard hầu như không phải trả thuế, mặc dù dự luật thuế năm 2017 của ông Trump đã áp dụng thuế đối với các khoản tài trợ lớn của trường đại học mà đảng Cộng hòa hiện muốn tăng đáng kể.

Sự phản kháng của Harvard

Tuần trước, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đã gửi thư cho Harvard, yêu cầu trường phải thay đổi chính sách và thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai nếu muốn tiếp tục “duy trì” mối quan hệ tài chính với chính phủ. Harvard đã bác bỏ yêu cầu này.

“Không một chính phủ nào - bất kể thuộc đảng nào - có quyền can thiệp vào việc các trường đại học tư nhân giảng dạy những gì, tuyển sinh và tuyển dụng ai, cũng như theo đuổi những lĩnh vực nghiên cứu nào”, Hiệu trưởng Harvard Alan Garber khẳng định trong một tuyên bố gửi toàn trường vào ngày 14/4.

Harvard cho biết họ đã thực hiện những thay đổi lớn trong 15 tháng qua để cải thiện môi trường trong khuôn viên trường và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, bao gồm kỷ luật những sinh viên vi phạm chính sách của trường, dành nguồn lực cho các chương trình thúc đẩy sự đa dạng về tư tưởng và cải thiện an ninh. Nhưng thật đáng tiếc khi chính quyền đã bỏ qua những nỗ lực của trường và thay vào đó lại xâm phạm quyền tự do của trường theo những cách không hợp pháp.

Thái độ cứng rắn của Harvard hôm 14/4 đã được hoan nghênh trên toàn bộ nền giáo dục đại học Mỹ, sau khi các trường đại học bị chỉ trích rộng rãi vì không phản ứng quyết liệt hơn với các cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Trump.

Ngày 15/4, chính quyền đã đáp trả bằng cách đóng băng khoản tài trợ hơn 2 tỷ USD, mặc dù chi tiết cụ thể về số tiền vẫn chưa được công bố. Mỗi năm, Harvard nhận khoảng 9 tỷ USD tiền tài trợ từ chính phủ liên bang, trong đó 7 tỷ USD được phân bổ cho 11 bệnh viện trực thuộc ở Boston và Cambridge, Massachusetts. Số còn lại, khoảng 2 tỷ USD, là các khoản tài trợ nghiên cứu trực tiếp cho trường, bao gồm các dự án về thám hiểm không gian, tiểu đường, ung thư, Alzheimer và lao.

Harvard có đủ tiềm lực để chịu được sự cắt giảm tài trợ, với quỹ tài sản ròng vượt mốc 50 tỷ USD.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, phát biểu với báo chí ngày 15/4: “Tất cả những gì tổng thống yêu cầu là: Đừng vi phạm luật liên bang, và rồi các bạn sẽ nhận được tiền tài trợ".

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ tổng thống đang đặt ra một câu hỏi rất hợp lý: Hơn 2 tỷ đô la chảy vào Harvard trong khi họ đã có sẵn hơn 50 tỷ đô la trong ngân hàng – vì sao người nộp thuế Mỹ lại phải trợ cấp cho một trường đại học đã quá dư dả như vậy? Và chắc chắn chúng ta không nên dùng tiền thuế để tài trợ cho một nơi đang dung túng chủ nghĩa bài Do Thái nghiêm trọng như thế.”


Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn