Thống kê mới nhất, Việt Nam đã có 2 tỷ phú đô la, hàng trăm người thuộc nhóm siêu giàu... nhưng đây được cho chỉ là bề nổi rất nhỏ của tầng lớp siêu giàu Việt Nam. Người giàu tăng lên khiến cho giới kinh doanh dịch vụ xa xỉ đang đổ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội trên một thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới.
Ghi danh siêu giàu Việt
Liên tục có những báo cáo về số lượng tỷ phú, siêu giàu người Việt cho thấy đại gia Việt Nam đã được ghi danh trên bản đồ nhà giàu thế giới.
Bản điều tra tỷ phú USD "Billionaire Census 2014" của Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) vừa công bố cho biết, năm 2014, Việt Nam tiếp tục có mặt trong danh sách 14 nước châu Á có tỷ phú đô-la. Trong năm 2014, số lượng tỷ phú Việt Nam đã tăng từ 1 lên 2 người và tổng giá trị tài sản tăng từ 1 lên 3 tỷ USD.
So với các nước trong khu vực, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, trên bản đồ siêu giàu thế giới, Việt Nam cũng đã có những tiến bộ đáng kể.
Báo cáo này không tiết lộ tên tuổi của 2 tỷ phú USD Việt nhưng một trong hai người được xác định là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Ông cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes.
Cũng theo Wealth-X và UBS, trong năm 2014, Việt Nam góp mặt 210 đại diện siêu giàu với tiêu chí đầu tiê là có tài sản trên 30 triệu USD/người; tổng tài sản của nhóm này là 20 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với 115 triệu phú và khoảng 13 tỷ USD hồi năm 2011.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất và cũng là tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam có tài sản lên tới 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.149 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Vị tỷ phú thứ 2 theo báo cáo của Wealth-X và UBS còn là bí ẩn. Tuy nhiên, nhiều cái tên được nhắc tới như bà trùm BĐS tài chính Bà Nguyễn Thị Nga (BRG, SeABank), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn (IPP)...
Thực tế, những người gần gũi với ông Vũ Văn Tiền cho biết, thời kỳ đỉnh cao, vài năm trước đây, tài sản của đại gia này có lẽ tính bằng vài tỷ USD nhưng giờ vị thế đã thay đổi. Còn ông Đào Hồng Tuyển đã có những đồn đoán về tài sản lên tới 2 tỷ USD.
Trong khi đó, trên thế giới, khá nhiều doanh nhân gốc Việt nổi danh giàu có như tỷ phú Hoàng Kiều (người Mỹ gốc Việt) đã vượt 450 bậc trong 6 tháng đầu năm 2014 vươn lên vị trí 633 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes thống kê, với tài sản hồi tháng 3 là 2,8 tỷ USD. Hiện tại tỷ phú này chỉ còn đứng ở vị trí 931 với 2 tỷ USD.
Trước đó, giới đầu tư khá quen thuộc cái tên Trần Đình Trường là ông chủ của nhiều khách sạn tại New York. Hay những cái tên doanh nhân gốc Việt thành đạt và giàu có như: ông Đoàn Trí Trung - người sáng lập và hiện là chủ tịch kiêm CEO của nhiều công ty trong đó có SemiLEDs (Mỹ); Trung Dung - một đại gia công nghệ gốc Việt với thương vụ bán cổ phần trị giá 1,8 tỷ tại OnDisplay cho Vignette Corporation; tỷ phú Chính Chu (em rể ca sỹ Cẩm Ly) - giám đốc điều hành cao cấp của tập đoàn quản lý quỹ hàng đầu thế giới Blackstone (hiện quản lý hơn 200 tỷ USD)...
Ngả mũ độ chịu chơi siêu giàu Việt Nam
Ở một góc độ khác, bản đồ siêu giàu thế giới cũng đã ghi tên Việt Nam khi hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ từ hàng hiệu xa xỉ tới siêu xe triệu đô đã tìm đến Việt Nam và kiếm được bộn tiền nhờ sự chịu chơi không kém ai của giới nhà giàu Việt. Đặc biệt, các đại gia Việt đã không ít lần khiến thế giới ngã mũ trước những thương vụ lớn và bất ngờ.
Bất ngờ đầu tiên phải kể đến thương vụ Bầu Đức mua máy bay riêng để đi lại, làm ăn.. Chi phí hàng triệu USD để mua máy bay và tốn kém nhiều tỷ đồng để vận hành đều từ tiền túi cá nhân của đại gia này.
Cũng giống như bầu Đức, ông Trần Đình Long - chủ tịch tập đoàn thép Hòa Phát (HPG) chứng minh tầm cỡ đại gia của mình khi chi hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng.
Nếu như chiếc Beechcraft King Air 350 của bầu Đức trị giá 7 triệu USD năm 2008 thì ông Long 2 lần sắm máy bay triệu đô, tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi tháng để "nuôi" phương tiện xa xỉ này. Từ chiếc trực thăng 6 chỗ, ông Long sau đó đã đổi sang loại mới 12 chỗ hiện đại hơn.
Doanh nhân lão bà Trần Thị Hường (Tư Hường) cũng thuộc tốp những người giàu nhất Việt Nam cũng được thế giới biết đến khi đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới về Việt Nam vào năm 2008. Hay ông Phạm Đình Nguyên - một doanh nhân ít được biết đến trước đó bất ngờ mua và thay tên đổi họ thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ hồi năm 2012.
Hàng loạt siêu xe triệu đô đã tìm đến Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG, mua đứt khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo và vừa khai trương khách sạn thứ 2 mang thương hiệu này tại Hà Nội.
Độ chịu chơi của siêu giàu Việt Nam dễ nhận thấy nhất chính là việc hàng loạt các đại gia Việt sở hữu xe siêu xe triệu đô với khối lượng khiến chính hãng cũng phải bất ngờ và phải đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam.
Có thể kế đến chiếc Rolls Royce Phantom 77L-7777 độc nhất vô nhị của bà Bạch Diệp với giá hơn 1 triệu USD hay chiếc xe Rolls Royce Ngôi Sao Phương Đông chính hãng về Việt Nam đã được rước thẳng đến gara một đại gia BĐS.
Giới chơi xe cũng không ít lần 'ngã mũ' trước dàn xe khủng nhà chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà; dàn xe "trăm tỷ" của đại gia Minh "nhựa"; bộ sưu tập các loại xe của Cường đôla...
Đại gia phố núi Cường đôla gần đây bị lu mờ so với nhiều đại gia mới nổi khác nhưng bộ sưu tập siêu xe từ Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider đến Rolls-Royce Phantom, Porsche... cũng khiến không ít trang tin nước ngoài như Autoguide (Mỹ) phải "ngả mũ" kính nể..., thậm chí so sánh với bộ sưu tập xe của một thiếu gia người Ả-rập.
Trong khi đó, bên cạnh việc tiêu dùng những thứ đồ xa xỉ như chiếc túi Hemes trị giá cả tỷ đồng hay những chiếc đồng hồ 7 - 8 tỷ thỉnh thoảng lại khiến nhiều người xôn xao thì không ít đại gia còn có nhiều thú vui hiếm có trên thế giới như nuôi thú dữ từ hổ trăng, tê giác châu Phi, chó Ngao Tây Tạng...
Điểm sơ qua đã có thể thấy, đại Việt đã bắt đầu được đánh dấu trên bản đồ siêu giàu thế giới. Không ít người sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD. Kể cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, giới siêu giàu vẫn không ngừng tăng lên. Và lẽ tất nhiên, khi xuất hiện tầng lớp siêu giàu thì hàng hóa xa xỉ cũng ồ ạt chảy về Việt Nam.
Những chiếc du thuyền, những chiếc máy bay, những chiếc Roll Royce, hàng hiệu LV... cùng dịch vụ đắt đỏ đã xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết cho thấy đại gia Việt Nam cũng đã được đánh dấu vào bản đồ 'chịu chơi' của giới nhà giàu toàn cầu. .