Dải Gaza: “Xin đừng phân loại cái chết”

29-07-2014 07:49 | Quốc tế

SKĐS - Tôi là một dải đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, ở Trung Đông. Về mặt pháp lý, tôi không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.

Tôi là một dải đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, ở Trung Đông. Về mặt pháp lý, tôi không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên tôi được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Tôi - vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực diện tích 360km². Tôi thuộc quyền tài phán của Chính quyền Palestine và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập. Israel kiểm soát không phận và đường bờ biển. Theo lập trường chính thức của Palestine, vùng đất này vẫn nằm dưới sự chiếm đóng quân sự và rằng Israel giữ quyền chiếm giữ quyền lực. Chính phủ Israel không chấp nhận điều đó, đặc biệt sau sự rút quân của Israel năm 2005. Chính vì sự phức tạp trên mà tôi đã hứng về mình không biết bao nhiêu cuộc đổ máu của dân thường vô tội.

Từ đầu năm tới giờ, thảm họa máy bay khiến hơn 200 người thiệt mạng, cả thế giới xót thương. Nhưng các bạn có biết rằng, chỉ trong vẻn vẹn 13 ngày, tôi chứng kiến cuộc xung đột cướp đi sinh mạng hơn 800 người, 3.700 người bị thương, trong đó hơn 80% là thường dân với hơn 1/3 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào dải Gaza nhằm tiêu diệt các tay súng vũ trang của lực lượng Hồi giáo Hamas và nó đã trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất diễn ra ở dải Gaza trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều tòa nhà sụp đổ hoàn toàn, có nơi gạch đá tràn ra đường, một số tòa nhà vẫn còn bốc cháy, những cột khói cao ngút. Nhiều thi thể bị cháy đen và khó nhận dạng, một số người bị mất chân tay. Nhưng thế giới dường như lãng quên. Chẳng ai quan tâm đến thân phận cư dân trên mảnh đất khốc liệt này cả. Hay phải chăng, máu đổ là chuyện bình thường ở Gaza năm này qua năm khác, nên mọi người đã vô cảm với nỗi đau tại đây. Dù tai nạn máy bay ở Ukraine hay chiến tranh tại Gaza, đâu cũng là nỗi đau số phận con người, xin đừng phân loại cái chết. Cái chết luôn là sự chấm hết đau đớn nhất, bất kể quốc tịch, màu da nào.

Dải GaZa


Ý kiến của bạn