Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xung đột đã khiến hệ thống y tế ở Dải Gaza bị gián đoạn nghiêm trọng. Các cơ sở y tế bị hư hại, nhân viên y tế bị thương hoặc tử vong, thuốc men và thiết bị y tế khan hiếm. Điều này khiến việc điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Ngoài ra, xung đột cũng khiến người dân phải di tản khỏi nhà cửa, tập trung tại các nơi trú ẩn đông đúc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.
Tính đến ngày 18 /11/2023, WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và hơn 44.000 ca tiêu chảy ở Dải Gaza. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt xuất huyết, tả cũng có nguy cơ bùng phát.
WHO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Dải Gaza ứng phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: cung cấp thuốc men, thiết bị y tế và nhân viên y tế cho các cơ sở y tế ở Dải Gaza; hỗ trợ người dân bị di tản do xung đột; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, dịch bệnh lây lan ở Dải Gaza có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ cũng nằm trong số rất nhiều người thiệt mạng ở Gaza
Bác sĩ Hammam Alloh đã không rời khỏi Bệnh viện Al-Shifa ở Thành phố Gaza trong nhiều ngày. Các vụ đánh bom liên tiếp khiến số người bị thương tăng lên. Các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế phải làm việc suốt ngày đêm. Mỗi bác sĩ thường ở trực liên tục tại bệnh viện suốt một tuần hoặc kéo dài hơn.
Bác sĩ người Palestine Hammam Alloh, 36 tuổi, chuyên khoa thận, anh đã cứu sống rất nhiều người kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Trong một cuộc trò chuyện với truyền thông, bác sĩ Hammam Alloh cho biết: "Nếu tôi cũng chạy trốn thì ai sẽ chữa trị cho bệnh nhân của tôi? Họ đều có quyền được chăm sóc sức khỏe."
Điều không may đã tới. Bác sĩ Hammam Alloh trong một lần trở về gặp gia đình, anh cùng cha của mình đã qua đời khi ngôi nhà của cha mẹ anh trúng một quả tên lửa.
Theo Bộ Y tế Palestine, bác sĩ Hammam Alloh là một trong số hơn 200 nhân viên y tế đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc xung đột xảy ra. 130 bác sĩ được cho là đã bị thương. Cho đến nay, hơn 11.000 người Palestine đã thiệt mạng sau các vụ đánh bom của Israel, ngoài ra có khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas.
Thiếu trang thiết bị y tế, thuốc men cấp cứu người bệnh
Các y bác sĩ cho biết, họ túc trực tại bệnh viện nhưng nhiều trường hợp không thể làm gì để cứu giúp bệnh nhân. Bởi trong tay họ không có đủ trang thiết bị, thuốc, oxy hay những nhu yếu phẩm thiết yếu, thậm chí điện, nước cũng không có. Các cuộc phẫu thuật phải tiến hành mà không có thuốc gây mê.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Al-Shita cho biết, tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện các máy thở không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu và oxy.
Ngay cả lương thực thực phẩm cho bệnh nhân cũng trong tình trạng thiếu hụt, điều này dẫn tới nguy cơ đẩy Gaza vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đến nay có khoảng hơn 20 bệnh viện tại Dải Gaza đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn.