Đái đường thai kỳ có nguy hiểm không?

11-05-2023 14:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát tốt đường huyết như sảy thai, thai lưu, thai to...

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu và Liên hiệp đái tháo đường quốc tế (IDF): "Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào và/hoặc tăng đường huyết khởi phát lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai". Có thể trước đó người mẹ đã mắc rối loạn dung nạp glucose nhưng chưa được chẩn đoán, phát hiện. Vì vậy phụ nữ mang thai mắc đái đường chia làm hai trường hợp: Đái tháo đường thai kỳ và người mắc đái tháo đường từ trước và có thai.

Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ có sinh con ra bình thường không? Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường nếu kiểm soát đường huyết tốt theo khuyến cáo của bác sĩ, trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Sequence 01_6BSCKII Lê Thị Phương Huệ giải đáp thông tin về đái tháo đường thai kỳ. 

Nếu trong quá trình mang thai mắc đái tháo đường nhưng không kiểm soát đường huyết, để đường huyết tăng cao thì có thể gây ra nhiều biến chứng sản khoa. Những biến chứng này tác động nguy hiểm đến cả thai nhi và mẹ.

Các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường đối với phụ nữ mang thai nếu đường huyết lên cao

- Hôn mê do nhiễm toan ceton.

- Gây ra những biến chứng khác như tiền sản giật, tăng huyết áp.

Ngoài ra đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến thai nhi như:

- Ở giai đoạn thai kỳ sớm có thể sảy thai tự nhiên hoặc thai lưu.

- Trong quá trình mang thai nếu không kiểm soát được đường huyết sẽ gây thai to (quá cân) và chấn thương khi sinh (mắc vai hoặc gãy xương đòn). Trẻ sau khi sinh ra có thể bị hạ đường huyết sau sinh, hạ canxi, tăng bilirubin máu đa hồng cầu. Thậm chí có thể bị khó thở, suy hô hấp do tình trạng kiểm soát đường huyết không tốt. Một số trường hợp kiểm soát đường huyết kém trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như dị tật tim.

Lưu ý, ngoài ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sau sinh, bệnh còn có những tác động dài hạn nếu không kiểm soát được đường huyết khi mang thai. Trong trường hợp thai to, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ béo phì, đái tháo đường cao hơn bình thường.

Đái đường thai kỳ có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Nếu kiểm soát tốt đường huyết, bà mẹ măc đái tháo đường thai kỳ có thể sinh ra trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.

Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dễ mắc đái tháo đường thai kỳ bao gồm: 

- Những phụ nữ trên 25 tuổi

- Trong gia đình có người trực hệ (ông bà, cha mẹ, anh chị em...) mắc đái tháo đường

- Người có bệnh lý về sản khoa như: tiền sản giật, thai lưu, khó có thai, từng sinh con to (trên 4kg), người mắc buồng trứng đa nang…

- Người thừa cân, béo phì trước khi mang thai và trong quá trình mang thai. Một số bà mẹ trong quá trình mang thai có chế độ ăn không cân bằng dẫn tới rối loạn chuyển hóa như: ăn quá nhiều tinh bột, carbohydrate, hoa quả…

Một số dấu hiệu phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ

Nếu đái tháo đường thai kỳ ở giai đoạn muộn, khi đường huyết tăng cao, lúc này người mẹ sẽ có nhiều biểu hiện dễ nhận biết như: tiểu nhiều, uống nước nhiều, sút cân. Thậm chí một số sản phụ gặp hôn mê phải cấp cứu. 

Tuy nhiên đái tháo đường thai kỳ rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Bệnh chỉ có thể phát hiện thông qua các xét nghiệm. Vì vậy khi phụ nữ khi mang thai hoặc có ý định mang thai nên tầm soát lượng đường huyết để có biện pháp điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh. Đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao càng nên tầm soát sớm để phát hiện đái tháo đường thai kỳ. Khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ, bệnh nhân có thể căn chỉnh chế độ ăn uống, lối sống theo lời khuyên của bác sĩ để duy trì lượng đường huyết ổn định.

Đái tháo đường thai kỳ: Những mối nguy cho mẹ bầu và thai nhiĐái tháo đường thai kỳ: Những mối nguy cho mẹ bầu và thai nhi

SKĐS - Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có thể phát triển lượng đường trong máu cao. Tình trạng này được gọi là đái tháo đường thai kỳ.


BSCKII Lê Thị Phương Huệ
Trưởng Khoa Nội tiết – Bệnh viện Thanh Nhàn
Ý kiến của bạn