Đại diện EVN: Tăng giá điện không tác động nhiều đến CPI

04-05-2023 19:26 | Xã hội
google news

Chiều 4/5, EVN đã tổ chức trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Với mức tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ 4/5, các hộ gia đình bị tăng từ 2.500 - 27.000 đồng tiền điện mỗi tháng.

Đại diện EVN: Tăng giá điện không tác động nhiều đến CPI - Ảnh 1.

Đại diện EVN giải đáp những thắc mắc về tăng giá điện từ ngày 4/5.

Theo Quyết định 377 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), giá điện mới được điều chỉnh tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%). Sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất (tháng 3/2019), giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng nhẹ kể từ 4/5.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện trên cơ sở Bộ Công Thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Theo công bố này, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng; năm 2022 lên 493.265,30 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 3% sẽ giúp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN ra sao, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, với mức tăng giá 3% sẽ giúp cho EVN bớt đi khó khăn về tài chính.

Với mức tăng 3% thì ước tính doanh thu năm 2023 trong 8 tháng tới của EVN sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Theo đại diện EVN, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

“Về tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là 0,33 điểm phần trăm, 5% sẽ tác động vào CPI là 0,17% thì việc tăng 3% sẽ thấp hơn”, ông Nam cho hay.

Ông Nam cho biết thêm, việc tăng giá điện chỉ là một trong những giải pháp giảm khó khăn tài chính cho EVN. Ngoài ra, EVN cũng có những giải pháp tiết kiệm chi phí thường xuyên. Năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn… nhờ đó đã tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng… Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng.

Năm 2023, EVN tiếp tục thực hiện cắt giảm các khoản sửa chữa lớn, chi phí nhân công, tiền lương…Bên cạnh tiết kiệm yếu tố đầu vào thì EVN thực hiện tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, EVN sẽ phải tối đa huy động nguồn điện có giá thành rẻ.

“EVN đã làm việc với nhà cung ứng nhiên liệu như khí, than đề nghị nhà cung ứng chia sẻ với EVN, giảm giá bán để giảm thiểu chi phí đầu vào của EVN. Đồng thời, EVN sẽ đàm phán nhà đầu tư có nguồn năng lượng tái tạo để hài hoà lợi ích EVN và chủ đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ yếu tố đầu vào như phí, lệ phí…”, ông Nam cho biết.

Làm rõ hơn tác động của tăng giá điện đối với người dân, doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với mức tăng 3% thì tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Với những hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh, tiền điện tăng thêm từ 2.500 đồng - 5.100 đồng/hộ, số hộ này toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ, số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Còn đối với hộ sử dụng điện 400 kWh, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 27.200 đồng/hộ, số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Theo tính toán, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trong năm 2021, giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.855,57 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020. Sau đó năm 2022 mức giá này tiếp tục tăng lên là 1.882,73 đồng/kWh.

Dù mức giá này đã tăng 1,46% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức giá thành sản xuất kinh doanh điện đã vượt lên trên 2.000 đồng/kWh.

Với mức giá như trên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng.  Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng (gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng), nên đã giúp giảm lỗ cho EVN trong năm 2022 là còn 26.235,78 tỉ đồng.

Đáng chú ý, EVN vẫn còn tới hơn 14.700 tỉ đồng khoản tiền chênh lệch tỉ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.  Việc chưa hạch toán khoản lỗ này, theo EVN, là để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không làm cho giá biến động quá lớn.


theo TTXVN
Ý kiến của bạn