Đại dịch COVID-19: Những hy vọng trong điều trị và phòng ngừa…

23-03-2020 17:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện số mắc và tử vong do COVID-19 vẫn đang gia tăng, đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của tất cả mọi người trên toàn cầu hiện nay. Nó đã gây ra tâm lý hoảng loạn, lo sợ trong cộng đồng. Nhưng các nhà khoa học đã và đang rất nỗ lực nghiên cứu để tìm ra cách điều trị và ngăn chặn loại coronavirus mới này. Kết quả của một số nghiên cứu có thể mở đường cho việc điều trị và phòng ngừa trong tương lai…

Hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng

Các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông đã đánh giá tác động của vụ dịch đối với 43 bệnh viện công. Những con số rất đáng khích lệ: Trong 6 tuần đầu tiên kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch, 413 nhân viên y tế đã tiếp xúc và điều trị cho 42 trường hợp được xác nhận COVID-19. Trong số những nhân viên này, 11 người đã tiếp xúc không được bảo vệ với coronavirus mới. Tuy nhiên, do thực hiện tốt các biện pháp để kiểm soát nhiễm trùng, không một nhân viên y tế nào nhiễm virus trong thời gian nghiên cứu. Hơn nữa, không có nhiễm trùng bệnh viện xảy ra.

Bác sĩ Vincent CC Cheng, Khoa Vi sinh tại Bệnh viện Queen Mary ở Hồng Kông và các đồng nghiệp của ông kết luận: Các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện phù hợp, có thể ngăn ngừa lây truyền coronavirus mới. Thực hành vệ sinh tay, đeo khẩu trang và sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp trong chăm sóc bệnh nhân… là các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng chính để ngăn chặn sự lây truyền virus trong bệnh viện.

Vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm

Một thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2 tiềm năng lần đầu tiên đang được thực hiện trên người. Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã tài trợ cho thử nghiệm đang diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở Seattle.

Trong thử nghiệm, 45 tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ nhận được một loại vắc-xin có chứa một đoạn mã di truyền được sao chép từ SARS-CoV-2. Vì vắc-xin không chứa SARS-CoV-2 thực tế, nên an toàn cho người thử nghiệm.

Các quan chức chính phủ cảnh báo rằng, có thể phải mất 12- 18 tháng trước khi vắc-xin tiếp cận thị trường. Mục đích chính của thử nghiệm hiện tại này là để đảm bảo sự an toàn của văc xin không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực  khác cũng đang được tiến hành để đưa ra các loại vắc-xin mới.

Các nhà khoa học đang tích cực tìm kiếm các phương pháp điều trị và dự phòng COVID-19.

Dùng liệu pháp kháng thể

Các bác sĩ có thể sử dụng một phương pháp lâu đời có tên là liệu pháp kháng thể để điều trị COVID-19. Theo các nhà khoa học, đây là phương pháp đã có từ những năm 1930.

Phương pháp này bao gồm thu thập máu từ một người đã bị nhiễm virut và đã phục hồi trước đó. Sử dụng huyết thanh - phần có chứa kháng thể chống nhiễm trùng - các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tiêm cho người khác, để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc giúp chống lại nhiễm trùng.

Các chuyên gia y tế cho rằng trong huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus SARS-CoV-2, do đó khi truyền dịch huyết tương của những người này vào cơ thể người bệnh khác, các kháng thể trên có thể giúp bệnh nhân thêm khả năng chống chọi với bệnh tật.

Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, song đồng thời nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.

Trong một phát biểu với báo giới ở trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Mike Ryan- người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho biết, huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân ở các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu. Ông cho biết: Đó là một lĩnh vực rất quan trọng để theo đuổi nghiên cứu. Bởi vì những gì huyết thanh globulin siêu miễn dịch có thể làm là tập trung các kháng thể ở một bệnh nhân đã hồi phục.

Tiến sĩ Arturo Casadevall, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, MD cho biết, tất cả đều có thể thực hiện được và đòi hỏi những người đã khỏi bệnh có thể hiến máu.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể đánh bại virus

Một nhiên cứu mới xuất hiện trên tạp chí Y học tự nhiên đã ghi lại trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong vài ngày. Bệnh nhân là một phụ nữ 47 tuổi bị nhiễm virut ở Vũ Hán, Trung Quốc và các nhà nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng miễn dịch của cô để tìm hiểu về sự phục hồi này.

Giáo sư Kinda Kedzierska, Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Viện Doherty ở Melbourne, Australia và các đồng nghiệp đã tìm thấy sự gia tăng của globulin miễn dịch - loại kháng thể phổ biến nhất - trong các mẫu máu của phụ nữ.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy một số lượng lớn các tế bào miễn dịch quan trọng, chẳng hạn như tế bào T chuyên biệt, tế bào T sát thủ và tế bào B, 7 -9 phút sau khi khởi phát triệu chứng. Đây là một bước tiến đáng kinh ngạc trong việc tìm hiểu lý do thúc đẩy sự phục hồi của COVID-19.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn