Theo thống kê, trong 3 tháng qua, đã có 127 nhà báo ở 31 quốc gia tử vong vì COVID-19, 2/3 trong số đó nhiễm bệnh khi đang làm nhiệm vụ.
Đây là số liệu của Tổ chức Chiến dịch báo chí biểu tượng (PEC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Tổng Thư ký PEC Blaise Lempen nói: “Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại Coronavirus mới. Họ phải đưa tin về sự lây lan của dịch bệnh. Một số người đã hy sinh vì thiếu các trang thiết bị bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Trong thời đại dịch, phóng viên được trang bị đồ bảo hộ để tới những nơi nguy hiểm nhất, có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Theo đó, có 127 nhà báo ở 31 quốc gia đã “ngã xuống” trên trận tuyến này, riêng trong tháng 5 có tới 72 nhà báo đã trở thành những nạn nhân của COVID-19. Ở khu vực Mỹ Latinh là lục địa bị ảnh hưởng nhiều nhất với ít nhất 62 nhà báo, tiếp theo là châu Âu với 23 người, châu Á 17, Bắc Mỹ 13 và châu Phi 12 nhà báo đã tử vong vì COVID-19.
Peru là quốc gia có số nạn nhân cao nhất, 15 người, tiếp theo là Brazil và Mexico với 13 nạn nhân ở mỗi nước và 12 người ở Ecuador. Tại Mỹ ghi nhận 12 nhà báo tử vong, 8 người ở Nga và 8 ở Pakistan. Vương quốc Anh có 5 nhà báo, Bangladesh 4 người, số nước đều có 3 nhà báo tử nạn do COVID-19 gồm Bolivia, Cameroon, Cộng hòa Dominican, Pháp, Ấn Độ, Italia và Tây Ban Nha.
Ông Blaise Lempen, Tổng Thư ký của PEC cho biết, số liệu này dựa trên việc thu thập từ nhiều nguồn - từ các hiệp hội nhà báo quốc gia, truyền thông địa phương và phóng viên Tổ chức Chiến dịch biểu tượng báo chí trên toàn thế giới. Ngoài ra, có hàng trăm nhà báo, nhân viên truyền thông được xác định dương tính với SARS-CoV-2, một vài cơ quan truyền thông phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Cựu Chủ tịch Viện Phát thanh và Truyền hình công cộng Peru Hugo Coya cho biết, các nhà báo ra tiền tuyến phòng chống đại dịch, nhưng họ đã không được đào tạo cách để tự bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm. Ủy ban bảo vệ nhà báo cho biết, họ đang cố gắng theo dõi các trường hợp nhà báo tử vong vì COVID-19 nhưng khó để xác nhận chính xác có bao nhiêu người tử vong do mắc bệnh khi tác nghiệp. Thực tế là nhiều nhà báo ở Mỹ Latinh thiếu các thiết bị bảo vệ cơ bản.
Ông Coya khẳng định, nhà báo là một nguồn thông tin đáng tin cậy quan trọng trong thời điểm khủng hoảng này. Trong thời điểm khó khăn này, nhiều nhà báo dù cao tuổi, đủ tiêu chuẩn ở nhà nhưng họ vẫn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, thậm chí có người mất việc, giảm lương vì cơ quan khó khăn, nhưng họ vẫn đang hàng ngày cống hiến vì đam mê và trách nhiệm với công việc mà họ đã gắn bó.