Đại dịch COVID-19 làm gia tăng bạo lực với phụ nữ

16-12-2021 15:00 | Đời sống

SKĐS - Một báo cáo vừa được công bố mới đây của Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), có tới 45% phụ nữ đã phản ánh rằng họ hoặc một số người phụ nữ mà họ biết đã phải trải qua một vài dạng bạo lực.

Thông tin được cung cấp tại buổi tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UNESCO Việt Nam tổ chức sáng 16/12.

Theo ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề bình đẳng giới, cũng như góp phần thay đổi thái độ và hành vi trong cộng đồng. Mặt khác, tọa đàm này mang nhiều ý nghĩa với UNESCO vì bình đẳng giới và cuộc chiến với mọi hình thức bạo lực với phụ nữ nằm trong những mục tiêu ưu tiên của UNESCO.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm,TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho hay, trong quá trình đưa tin về bạo hành phụ nữ và trẻ em, báo chí có một số sai sót như đổ lỗi cho nạn nhân khiến người tiếp nhận thông tin hiểu sai vấn đề. Thậm chí còn có ít nhiều bào chữa cho thủ phạm; tô đậm định kiến, kì thị và thiên lệch về giới; đưa tin theo hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh…

Ở góc độ người biên tập tin thời sự, hiệu đính hàng ngày, Nhà báo Hoàng Như Hoa, Phó Trưởng Ban biên tập tin trong nước Thông tấn xã Việt Nam cũng chia sẻ, khi biên tập, hiệu chỉnh thông tin liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái cần tránh những thông tin khiến các nạn nhân bị tổn thương thêm một lần nữa. Đặc biệt, khi khai thác thông tin vụ việc tránh khai thác, đi sâu chi tiết bất lợi cho nạn nhân để giật gân, câu view. Việc đưa tin không phản ánh đơn thuần mà cần phải có chính kiến của tác giả về vụ việc mình phản ánh, cần chỉ rõ đích danh các hành vi vi phạm pháp luật.

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng bạo lực với phụ nữ - Ảnh 1.

Nhằm giúp phóng viên có thêm các kinh nghiệm khi đưa tin bạo lực phụ nữ và trẻ em, Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông, bằng kinh nghiệm thực tế đã chia sẻ: Câu hỏi mà các nạn nhân sợ nhất là "tại sao", vì thế khi tiếp cận và tiếp xúc phóng viên nên tránh dùng những từ để hỏi, thay vào đó hãy dùng những câu hỏi gợi mở để nhân vật có thể tự thuật lại câu chuyện như một cách họ có nhu cầu được nói ra.

"Tâm lý của người bị hại sẽ cởi mở hơn khi chia sẻ với người mà họ biết chắc chắn sẽ không gặp lại lần nào, tức là sẽ không có một mối liên hệ nào với họ. Vì thế, để nạn nhân nói lên được những oan khuất của mình cần tạo cho họ một không gian "vô danh", tức là nhân vật không xuất hiện, không bị nhận diện để che danh tính của nhân vật, khiến họ dễ dàng mở lòng hơn. Với người bị bạo lực, họ không muốn bị đánh giá, phán xét bởi người khác, nhất là những người thân quen. Khi nói chuyện hãy để họ thấy rằng mình đang lắng nghe chứ không phải chất vấn họ"- Nhà báo Trung Tuyến nói.

Nhân dịp này, VOV phối hợp cùng với UNESCO Việt Nam tổ chức cuộc thi dành cho các nhà báo và các chuyên gia truyền thông đang làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam về chủ đề này nhằm nâng cao kiến thức đưa tin về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Người dự thi có thể truy cập vào đường link https://bit.ly/3dxTKEY.Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 27/12/2021./.

Nhiều học sinh chịu bạo lực giới ở trường họcNhiều học sinh chịu bạo lực giới ở trường học

SKĐS - Khảo sát của tổ chức Plan Việt Nam với 3.000 học sinh tại 30 trường học tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2014 cho thấy: 78% số em tham gia khảo sát chia sẻ rằng các em đã chịu ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn