Hà Nội

Đại dịch COVID-19 khiến trẻ tự sát ngày càng tăng

18-11-2021 08:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng.

COVID-19 đã khiến bất bình đẳng gia tăng, phụ nữ và trẻ em là nhóm chịu nhiều bất lợiCOVID-19 đã khiến bất bình đẳng gia tăng, phụ nữ và trẻ em là nhóm chịu nhiều bất lợi

SKĐS - Trong các chính sách hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do tác động của COVID-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

UNICEF và Bộ LĐ-TB&XH vừa đồng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 nhằm nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần khỏe mạnh cho trẻ em, kiến nghị tăng cường đầu tư và hành động nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên.

Với áp lực từ cuộc sống, giáo dục, từ những kỳ vọng và các mối quan hệ dẫn đến tỷ lệ người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đã trở nên đáng lo ngại trong nhiều năm qua. Có sự gia tăng về số trẻ em bị kỳ thị do sự khác biệt, cha mẹ cảm thấy áp lực quá lớn, và trẻ em bị cô lập do bị xâm hại, sao nhãng và gặp khó khăn.

Đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng - Ảnh 2.

Trẻ em phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần. Ảnh minh họa.

Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Ngày Trẻ em Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, toàn thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần.

Các em bị gián đoạn việc học tập; khó khăn hơn trong cách tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện để chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè cũng bị hạn chế; vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tình trạng trẻ em mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị xa bố mẹ, người thân; trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong vì đại dịch COVID-19 đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ em…

Theo Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers, trong vòng 2 năm qua, do tác động của đại dịch, rất nhiều vấn đề về quyền trẻ em đã bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến quyền trẻ em như: Các em bị cách ly với môi trường quen thuộc bên ngoài, có sợ hãi, lo lắng nhất định… Việc phong tỏa xã hội đã dẫn đến một tỷ lệ trẻ em ở nhiều nước phải sống trong im lặng và cảm thấy bị cô lập. Khi đại dịch chấm dứt, các tác động về KT-XH cũng như hậu quả về sức khỏe tâm thần vẫn sẽ tiếp tục.

Bà Rana Flowers cũng cho rằng, Chính phủ các nước cần cân nhắc các kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ để hỗ trợ trẻ em... Trường học cần có dịch vụ tư vấn, chương trình học có ưu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần dành cho trẻ nhỏ. Thêm vào đó là cần có những cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng có kỹ năng để có thể xác định trẻ em có nguy cơ, chuyển các em đến dịch vụ phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em. Cha mẹ cần được tập huấn để nhanh chóng nhận biết các vấn đề của con, hỗ trợ kịp thời; tạo môi trường khuyến khích sự trao đổi, nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình…

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch COVID-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững như: thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em. Triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực về cả y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định của luật pháp và chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em trong hệ thống an sinh xã hội. Phát triển nghề công tác xã hội trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội. Ngoài ra cần nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Ngày Trẻ em Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 20/11 hàng năm nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em, là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Trong suốt nhiều năm qua, Ngày Trẻ em Thế giới là một ngày vui và mang đến các thông điệp nghiêm túc, là thời điểm UNICEF đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của trẻ em, tôn vinh những tiến bộ, tăng cường sự quyết tâm cho các nhà lãnh đạo và tiếp tục giải quyết những việc cần thiết. Đây cũng là thời điểm trẻ em trên toàn thế giới đoàn kết và cất lên tiếng nói của mình.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn