Chiều 10/12, tại Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021 do Chương trình chống Lao Quốc gia tổ chức, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến thông qua hàng chục điểm cầu trên cả nước.
Hoạt động chống lao gặp "khó" giữa dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược từ 5-8 năm trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2020).
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, trong năm 2021, việc phát hiện người nhiễm lao rất khó khăn. Nếu năm 2020, số bệnh nhân lao được phát hiện giảm 3% so với năm trước đó thì năm nay số phát hiện lao giảm tới gần 20%.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, với đợt tấn công lần thứ 4 của dịch bệnh COVID-19, số liệu phát hiện bệnh lao sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%). Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch .
9 tháng đầu năm 2021, tổng số người được xét nghiệm Xpert MTB-Rif là 111.693, phát hiện 2.103 bệnh nhân RR/MDR, số bệnh nhân thu dung là 2.010 chiếm 96% số phát hiện, mới đáp ứng được 43% chỉ tiêu đề ra.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi TƯ dẫn ví dụ cho thấy, tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm mạnh trong nhiều tháng, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 10, trên cả nước, tỷ lệ phát hiện lao trung bình theo ngày là 123 ca. Mặc dù, từ tháng 1 đến tháng 6/2021, con số này vẫn đạt được là 252 ca.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, trở ngại đối với công tác phòng chống lao như người dân sợ nhiễm COVID-19, sợ phải khai báo y tế… nên không đi khám bệnh. Nhiều bệnh viện chuyên khoa lao bệnh phổi chuyển đổi thành cơ sở điều trị COVID-19 nên các hoạt động phát hiện, điều trị lao bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động khám phát hiện sàng lọc tại cộng đồng phát hiện sớm lao không được tổ chức do không được tập trung đông người. Bên cạnh đó, hoạt động khám phát hiện lao chủ động như khám phát hiện lao trong các trại giam, lao kháng thuốc… đều bị đình trệ. Những vấn đề này xảy ra ở hầu khắp các tỉnh. Chính vì vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện năm 2021 giảm nghiêm trọng, không đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm cũng gặp khó khăn, nhất là các khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội, bệnh nhân lao không thể đến nhận thuốc được, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Đẩy mạnh phát hiện chủ động trong phòng chống lao
Xác định đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, Việt Nam đã có những quyết định mang tính chiến lược, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, để cải thiện công tác phòng chống lao, khắc phục những khó khăn do COVID-19 mang lại, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng cần phải có một giải pháp liên quan đến cả COVID-19, tức là can thiệp nhưng phải đảm bảo an toàn với COVID-19.
Ông Nhung nói: "Các chỉ tiêu về phát hiện đều giảm do việc giảm tiếp cận của người dân đến các hoạt động phòng chống lao. Với những bệnh nhân lao, việc tiếp cận điều trị cũng gặp khó khăn. Nếu trước đây, bệnh nhân có thể thường xuyên đến khám hoặc khám 1-2 tuần một lần, nhưng hiện nay, bệnh nhân đều được cấp thuốc 1 hoặc 2 tháng. Mặc dù, việc cung cấp điều trị tương đối tốt, nhưng việc phát hiện người nhiễm lao rất khó khăn trong năm 2021".
Chủ nhiệm Chương trình phòng chống Lao Quốc gia hy vọng sang năm tình trạng này sẽ được cải thiện. Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói: "Trong chống lao có 2 việc quan trọng nhất là làm thế nào phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây".
Cũng giống như COVID-19, PGS Nhung nhấn mạnh tới việc chủ động kiểm soát và phát hiện ca bệnh. Bệnh viện Phổi TƯ đưa ra biện pháp can thiệp mô hình, bảo đảm tiếp cận khám chữa bệnh thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng ngăn chặn lây nhiễm chéo. Ngoài ra, bệnh viện tăng cường phát hiện chủ động ca nhiễm lao trong cộng đồng bằng chiến lược 2X là X-quang và X-pert.
"Chúng ta có đầy đủ kỹ thuật, thực hành chuẩn, có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho sốt, sẽ chủ động hơn tìm kiếm các chương trình sẵn có, để đến cơ sở y tế an toàn, phát hiện sớm đúng bệnh lý để điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm đi", PGS Nhung cho hay.
Các biện pháp phòng chống COVID-19 hiện nay như rửa tay, đeo khẩu trang... nên trở thành thói quen hàng ngày của người dân, bởi nó không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn phòng chống dịch bệnh hô hấp và nhiều căn bệnh khác… Mặc dù chưa có nghiên cứu khẳng định nhưng những thực hành đó rất tốt kể cả trong bệnh lao.
Trong thời gian tới, Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tập trung vào nhiệm vụ Nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở hướng tới mục tiêu xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030.
Xem video đang được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi