Đây là một trong những kết quả của Nghiên cứu về "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19" với 2.700 nhân viên y tế các cấp do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện từ tháng 9-11/2021 vừa được công bố ngày 18/12 tại hội thảo chính sách "Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe và các điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế Việt Nam".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu ở Hà Nội, TP HCM và miền Trung.
Tham gia khảo sát "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19" có 35,75% là nhân viên y tế cơ sở; 35,5% làm việc ở tuyến tỉnh và gần 20% ở tuyến Trung ương. Đối tượng nghiên cứu là bác sỹ chiếm gần 54%, điều dưỡng hơn 21,4% và những đối tượng khác.
Trong số này, có hơn 70% nhân viên y tế thuộc diện biên chế và trên 66% có kinh nghiệm làm việc từ 5-20 năm. Đáng chú ý, tới 53% nhân viên y tế có tiếp xúc COVID-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ mắc COVID-19. Nghiên cứu cho thấy có hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm.
PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.
Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ.
Chia sẻ những tác động của COVID-19 đối với yêu cầu công việc của nhân viên y tế, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Hà Nội, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết dịch COVID-19 không chỉ tác động đến các hoạt động của cơ sở y tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân viên y tế.
Đó là khối lượng công việc nhiều hơn, nghỉ ngơi ít hơn, stress nhiều hơn, thu nhập giảm, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị…
Nói về thực trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc thời gian qua, PGS. Hoàng Bùi Hải cho rằng thực tế việc dịch chuyển công việc ở nhân viên y tế là thường xuyên, kể cả trước thời điểm có dịch COVID-19. Với nhân viên y tế dù làm việc ở môi trường nào thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ người bệnh.
"Lý do nghỉ việc không hẳn là do thu nhập giảm mà áp lực công việc kéo dài, vượt qua sức chịu đựng thì họ cần được nghỉ ngơi. Tôi nghĩ các đồng nghiệp của tôi có thể chỉ nghỉ việc tạm thời và một vài tháng sau đó họ sẽ quay trở lại công việc"- PGS. Hoàng Bùi Hải chia sẻ.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tại các điểm cầu trực tuyến là: Bệnh viện điều trị COVID-19 Hà Nội, bệnh viện Trung ương Huế và ĐH Y dược TP HCM đã chia sẻ các thông tin về yêu cầu công việc, thực trạng lương của nhân viên y tế ở khu vực công, các rào cản… cũng như khuyến nghị chính sách hỗ trợ cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu phòng chống dịch và người dân trong và sau đại dịch COVID-19.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã rất thành công trong kìm chế các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe của người dân. Để có được thành công ấy có rất nhiều công sức của nhiều bên và không thể không nhắc tới sự hi sinh thầm lặng của rất nhiều nhân viên y tế ở mọi cấp mọi miền Việt Nam...