Đại dịch COVID-19 có thể khiến chủng cúm B/Yamagata biến mất?

29-10-2021 08:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 đã giúp dập tắt đáng kể bệnh cúm mùa 2020-2021, điều này thể hiện qua số ca mắc cúm giảm xuống mức thấp nhất chưa từng thấy ở Mỹ.

Dịch cúm giảm trong năm đại dịch COVID-19

Trên thực tế, rất ít chủng cúm có thể hoành hành trong năm qua, điều này đã khiến một số nhà khoa học đang đưa ra giả thuyết rằng một trong những chủng cúm chính có thể đã tuyệt chủng, vì thiếu đối tượng để lây nhiễm.

Đại dịch COVID-19 có thể khiến chủng cúm B/Yamagata tuyệt chủng? - Ảnh 2.

Dịch cúm giảm trong đại dịch COVID-19 nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Úc mới đây được đăng trên Tạp chí Nature Reviews đã cho thấy, chủng cúm B/Yamagata là một trong 4 chủng cúm thường xuyên được đưa vào mũi tiêm phòng cúm hàng năm, dưới tác động của các biện pháp phong tỏa để phòng chống COVID-19, chủng cúm này dường như đã hoàn toàn biến mất.

Nhóm nghiên cứu cho biết không có chủng B/Yamagata nào được ghi nhận khi phân tích các trường hợp cúm kể từ tháng 3 năm 2020, khi việc phong tỏa phòng COVID-19 về cơ bản đã giúp khống chế mùa cúm năm 2020-2021. Chỉ có 31 trường hợp nghi ngờ chủng B/Yamagata đã được báo cáo tới nhà chức trách Mỹ từ mùa cúm gần đây nhất, nhưng cũng chưa được xác định chính xác là chủng B/Yamagata.

Dịch cúm sẽ tiếp tục diễn biến ra sao?

Các nhà nghiên cứu cho rằng: "Bên cạnh việc chủng B/Yamagata thường có xu hướng ít lây nhiễm hơn so với các chủng cúm lớn khác, việc kết hợp với các biện pháp giãn cách chặt chẽ trong phòng chống đại dịch COVID-19 có thể đã khiến cho chủng B/Yamagata khó lây lan trên toàn cầu và có nguy cơ tuyệt chủng".

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nếu toàn bộ một chủng cúm thực sự đã tuyệt chủng, điều đó sẽ mở ra những hướng mới để giải quyết dịch cúm hàng năm trong tương lai. Nhưng họ lưu ý rằng, trước hết, sẽ phải đợi hơn một mùa cúm để xác định xem chủng B/Yamagata còn tồn tại hay không.

Richard Kennedy, chuyên gia nghiên cứu vaccine thuộc Bệnh viện Mayo (Mỹ), cho biết: "Chủng B/Yamagata có xu hướng tăng ở một số năm nhất định và sau đó gần như biến mất ở những năm khác. Do vậy, với bằng chứng không xuất hiện một thời gian thì chưa chắc nó đã hoàn toàn biến mất. Mặc dù chưa xác định được trường hợp nào kể từ tháng 3/2020, nhưng cần theo dõi trong một khoảng thời gian dài hơn đối với chủng cúm này".

Điều đáng quan tâm là hiện nay các biện pháp phòng chống COVID-19 đã được nới lỏng và trẻ em nhiều nơi đã trở lại trường, điều này khiến cho các chuyên gia y tế công cộng lo ngại rằng mùa cúm tới sẽ là một thử thách, trong đó cũng có thể chủng B/Yamagata sẽ hoành hành trở lại. Tuy nhiên, nếu mọi người tiêm phòng cúm trong năm nay và tuân thủ các biện pháp bảo vệ phòng COVID-19 như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách thì có khả năng chủng B/Yamagata sẽ không xuất hiện.

Biện pháp phòng dịch cúm

Vaccine phòng cúm hiện nay có thể phòng được 4 chủng cúm: cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B/Victoria và cúm B/Yamagata. Các chủng cúm A có xu hướng lây nhiễm mạnh hơn và là nguồn gốc của các vụ dịch chết người, trong khi cúm B lây lan chậm hơn ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học.

Đại dịch COVID-19 có thể khiến chủng cúm B/Yamagata tuyệt chủng? - Ảnh 3.

Tiêm vaccine là cách phòng cúm hiệu quả

Hàng năm, các nhà khoa học Mỹ đều tiến hành phân tích để xác định phiên bản di truyền nào của mỗi chủng trong số 4 chủng trên có khả năng lây nhiễm cao nhất. Điều này sẽ giúp cho vaccine phòng cúm có hiệu quả bảo vệ tốt hơn trong mỗi mùa dịch.

Tiến sĩ William Schaffner, Giám đốc Y tế của Quỹ quốc gia về bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, cho biết, việc thay thế thành phần phòng chủng B/Yamagata trong vaccine bằng một chủng khác có khả năng lây nhiễm và nguy hiểm hơn có thể giúp cải thiện hiệu quả của mũi tiêm.

Chuyên gia Kennedy cũng tán thành: "Trong sản xuất vaccine, việc lựa chọn một chủng khác không phải là B, đó là chủng A, có thể sẽ giúp ích hơn cho việc phòng ngừa cúm. Mặt khác, vaccine khi được cắt giảm thành phần chỉ còn phòng ngừa 3 chủng, sẽ có giá thành rẻ hơn và dễ sản xuất hơn. Điều này sẽ giúp cho vaccine dễ tiếp cận hơn với mọi người".

Các nhà khoa học cho rằng: "Kinh nghiệm từ mùa cúm năm trước cho thấy nếu duy trì đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách, ở nhà, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, chúng ta có thể thực sự ngăn chặn dịch cúm một cách tuyệt đối. Một trong số các biện pháp này có thể được áp dụng trở lại và có thể sẽ được đưa vào các khuyến nghị thường quy về sức khỏe cộng đồng. Ví dụ như khi dịch cúm lây lan trong cộng đồng, sẽ có khuyến nghị đối với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn, đó là nên đeo khẩu trang trở lại".

Cúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhiCúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhi

SKĐS - Cúm là một bệnh đường hô hấp có thể gây những biến chứng nguy hiểm với phụ nữ mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi.


BS. Mẫn Thu
Ý kiến của bạn