Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - biểu tượng của Y đức sáng ngời

24-02-2025 13:50 | Y tế

SKĐS - Đại danh y của ngành y học cổ truyền Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791) tên thật là Lê Hữu Trác, ông cũng là một nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ lớn của nước ta ở thế kỷ 18.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y nổi tiếng trong lịch sử y học Việt Nam và đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông không chỉ là một danh y mà còn là một biểu tượng của y đức, của cái tâm người thầy thuốc.

Tiểu sử của đại danh y Lê Hữu Trác

Danh y Lê Hữu Trác (1724 - 1791) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đỗ đạt khoa bảng, nhiều người làm quan dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cha ông là Tiến sĩ Lê Hữu Mưu làm quan đến chức Thị lang Bộ Công, quê tại Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, người làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Nhiều người cho rằng, đại danh Hải Thượng Lãn Ông (có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng) là do sự kết hợp giữa hai chữ cái đầu tiên của tên tỉnh và tên phủ (tỉnh Hải Dương, phủ Thượng Hồng). Cũng có tài liệu cho rằng, hiệu "Hải Thượng" của ông ghép từ chữ "Hải" của tên trấn Hải Dương quê cha, và chữ "Thượng" của tên làng Bàu Thượng quê mẹ. Lãn Ông có nghĩa là ông lười, người không ham danh lợi.

Cha của ông là Lê Hữu Mưu là một vị quan thanh liêm, học rộng, từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, được nhà vua phong chức Ngự sử, tước Bá. Chú là Lê Hữu Kiều cũng là Đại triều thần của nhà Lê. Cả 6 người anh của ông đều thi đỗ khoa cử, tiến sĩ.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - biểu tượng của Y đức sáng ngời- Ảnh 1.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791).

Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sách sử nên được cha cho lên Kinh kỳ theo học. Năm 20 tuổi, Lê Hữu Trác thi Hương đỗ Tam trường (tú tài) và được bổ sung vào học ở trường Giám. Năm 24 tuổi, ông được cử làm thầy thuốc quân đội ở doanh trại Nghệ An. Đến năm 32 tuổi, ông cáo quan về quê chữa bệnh cho mẹ và bắt đầu chuyên tâm chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người cho đến cuối đời. Ông mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (năm 1791).

Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như một viên ngọc quý, càng mài càng thấy sáng. Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là "Lãn Ông" - ông già lười nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng.

Hải Thượng Lãn Ông - tấm gương sáng về y đức cao quý

Lê Hữu Trác là một thầy thuốc đại tài, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và phát triển y học cổ truyền Việt Nam. Ông đã tạo dựng một nền tảng lý thuyết và thực hành y học đồ sộ, xây dựng một hệ thống y học không chỉ dựa trên các lý luận cổ điển từ Trung Quốc mà còn tích hợp nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ y học dân gian của Việt Nam.

Với Hải Thượng Lãn Ông, y lý của Đông phương với các học thuyết triết học duy vật cổ như âm dương, ngũ hành... được vận dụng vào lĩnh vực y học đã được khai thác một cách sâu sắc và sáng tạo. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Hải Thượng y tông tâm lĩnh được ông dày công biên soạn là một bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền với 28 tập với 66 quyển, được coi là di sản lớn nhất về y học cổ truyền của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình mang tính học thuật, giúp chuẩn hóa y học cổ truyền Việt Nam mà còn là một tài liệu tham khảo vô giá về phương pháp chữa bệnh và phòng bệnh.

Hải Thượng y tông tâm lĩnh chứa đựng những gì tinh túy nhất trong sự nghiệp của người thầy thuốc vĩ đại này và là tài sản vô giá của nền y học Việt Nam. Bộ sách không chỉ mô tả kỹ lưỡng các bệnh lý, phương pháp chẩn đoán và điều trị mà còn chứa đựng những nguyên tắc y đức và triết lý nhân sinh sâu sắc. Nó được xem như kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia có truyền thống y học cổ truyền trên thế giới.

Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc Nam. Ông cho rằng, muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - biểu tượng của Y đức sáng ngời- Ảnh 2.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Trong y học cổ truyền, không chỉ chú trọng chữa trị mà việc phòng ngừa bệnh tật luôn được coi trọng. Lê Hữu Trác đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và điều hòa tinh thần. Tư tưởng về y học dựa trên sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên của ông vẫn có giá trị đến ngày nay, trong cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.

Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật - một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với bệnh nhân. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông (trong bài Y huấn cách ngôn và các tập Dương án, Âm án, Y lý thâu nhàn, Thượng Kinh ký sự).

Tư tưởng của ông về việc chữa bệnh bằng lương tâm và trách nhiệm đã tạo nên một chuẩn mực đạo đức cho nghề y, không chỉ trong y học cổ truyền mà còn trong y học hiện đại. Nhiều nguyên tắc mà ông đề ra như việc cá nhân hóa điều trị cho từng bệnh nhân hay việc coi trọng phòng ngừa bệnh tật, vẫn được áp dụng rộng rãi và là cơ sở lý luận trong y học hiện đại. Điều này cho thấy sự vượt thời gian và không gian của những giá trị mà Lê Hữu Trác đã xây dựng và để lại cho hậu thế.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:
Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi, kể công.

Theo ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi đau của người bệnh. Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ và nhân văn, nhấn mạnh việc người thầy thuốc phải luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, phải xem việc cứu người là sứ mệnh cao cả chứ không phải là một nghề 5 nghiệp chỉ để vụ lợi, kiếm sống. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.

Tư tưởng y học của Hải Thượng Lãn Ông mang đậm tính nhân văn, đề cao y đức của người thầy thuốc. Tấm gương sáng về y đức được thể hiện ngay trong 9 điều "Y huấn cách ngôn" ở phần đầu của bộ sách Y tông tâm lĩnh chứng tỏ ông rất chú trọng đến y đức. Đó chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược nhằm răn dạy người thầy thuốc vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay.

Di sản văn hóa xứng tầm thế giới

Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là một thầy thuốc giỏi mà ông còn là một danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm không chỉ về y học mà còn về văn hóa, xã hội và lịch sử. Lê Hữu Trác để lại hàng trăm bài thơ, phần lớn là các bài thơ theo thể thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, tứ tuyệt, văn biền ngẫu. Mảng thơ mang tính diễn ca bằng chữ Hán và chữ Nôm giàu vần điệu, nhạc điệu, dễ nhớ, dễ đọc. Mục đích sáng tác của ông là để chuyển tải nội dung y học, vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh.

Thượng kinh ký sự - một trong những tác phẩm văn học quan trọng của ông, không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại cuộc hành trình của ông từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho hoàng gia mà còn là bức tranh sống động về xã hội, con người và văn hóa thời bấy giờ. Tác phẩm này đã góp phần mô tả những giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cuối thời Lê - Trịnh.

Di sản mà ông để lại cho hậu thế không chỉ là những trước tác đồ sộ về y học và văn học, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn là những tấm gương của ông về chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng đạo đức về phong cách đối nhân xử thế trong công việc và cuộc sống. Ông cũng là người có tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc. Ông luôn trăn trở về việc làm sao để nền y học nước nhà có thể phát triển, sánh ngang với các nước khác.

Ngoài những cống hiến lớn lao trong y học, Lê Hữu Trác còn có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Lê Hữu Trác cũng đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ y học cổ truyền bằng tiếng Việt, giúp phổ biến kiến thức y học đến với người dân rộng rãi hơn. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thay vì chỉ sử dụng các thuật ngữ y học cổ bằng tiếng Hán như nhiều thầy thuốc thời bấy giờ, ông đã sáng tạo nhiều thuật ngữ y học mới, dễ hiểu và phù hợp với người dân Việt Nam. Điều này không chỉ giúp y học cổ truyền phát triển mà còn làm giàu thêm ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam".

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - biểu tượng của Y đức sáng ngời- Ảnh 3.

Các thế hệ thầy thuốc Y học cổ truyền dâng hương tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).

Năm 2023, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới vì những giá trị mà ông để lại không chỉ giới hạn trong biên giới Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Ông cũng là nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Tư tưởng y học của ông, với trọng tâm là y đức và lòng nhân ái, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học cổ truyền không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông. Hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh của ông đã trở thành nguồn cảm hứng và tài liệu tham khảo quý giá cho nhiều thế hệ thầy thuốc ở khu vực và trên thế giới.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y vĩ đại, một nhà văn, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ thầy thuốc và những người Việt Nam noi theo. Những thành tựu của ông đã góp phần cho sự phát triển của nền y học Việt Nam. Dù trải qua hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên giá trị và tính ứng dụng. Di sản về đạo đức, nhân cách, y học của Đại danh y để lại đã góp phần xây dựng nền y học nhân văn, lấy người bệnh làm trung tâm và trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam.

Giữ gìn và lan tỏa giá trị của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácGiữ gìn và lan tỏa giá trị của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một trong những đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Ông được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lãnh đạo Bộ Y tế dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.


Vũ Thủy
Ý kiến của bạn