Dai dẳng như... tổ đỉa

02-08-2015 07:19 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt của bàn tay, bàn chân; còn gọi là eczema bàn tay, bàn chân; có tên khoa học là Pompholyx hay dyshidrotic eczema

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt của bàn tay, bàn chân; còn gọi là eczema bàn tay, bàn chân; có tên khoa học là Pompholyx hay dyshidrotic eczema. Bệnh khởi phát đột ngột, các mụn nước chứa dịch trong sâu dưới da rất ngứa, tiến triển dai dẳng, hay tái phát. Một số trường hợp biểu hiện bệnh của nấm giống như tổ đỉa gọi là nấm da dạng tổ đỉa.

Khó xác định nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ. Theo một số nghiên cứu cho thấy trên 50% bệnh nhân bị tổ đỉa có yếu tố tiền sử cá nhân hoặc gia đình dị ứng (các bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, mày đay...). Như vậy, bệnh có căn nguyên là cơ địa dị ứng, đồng thời có thể có dị nguyên như hóa chất, xà phòng, nước hoa, các chất có trong mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống, đồ mạ nickel, cobalt, crôm... Một số trường hợp mắc bệnh tổ đỉa do dị ứng tiếp xúc với dép nhựa và sau khi không sử dụng nữa bệnh tự khỏi. Sang chấn tinh thần-stress cũng có thể gây bệnh này. Một số người bệnh có liên quan đến bệnh như aspirin, thuốc tránh thai và hút thuốc lá.

Bệnh tổ đỉa thường gặp ở rìa ngón tay.

Bệnh tiến triển dai dẳng và hay tái phát

Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng chưa được rõ do không có nghiên cứu, tuy nhiên tỷ lệ bệnh tổ đỉa trong các bệnh eczema bàn tay, bàn chân khoảng từ 10-20%.

Bệnh tổ đỉa được các thầy thuốc da liễu coi như một loại chàm (eczema). Nhưng khác eczema, tổ đỉa chỉ nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa ngón tay chân, còn eczema thì có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên da. Mặt khác, mụn nước tổ đỉa thường to, sâu, chắc, khó vỡ hơn mụn nước eczema. Cũng như eczema, tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.

Bệnh có thể xảy ra ở các lứa tuổi, nhưng thường xảy ra trước 40 tuổi. Do ngứa, gãi chà xát nhiều và điều trị không đúng có thể gây bội nhiễm vi khuẩn, gây chàm hóa. Hầu hết người bệnh khỏi sau 2-3 tuần, các mụn nước khô và bong vẩy da. Các trường hợp nhẹ, chỉ thấy mụn nước ở cạnh ngón, nhưng trường hợp điển hình thì mụn nước đối xứng ở hai lòng bàn tay, bàn chân. Nếu tái phát nhiều, bệnh dai dẳng ở các ngón có thể gây loạn dưỡng móng, móng bị hỏng, mất độ bóng, sần sùi, dày, đổi màu. Nhiều trường hợp người bệnh tìm đến bác sĩ vì móng tay bị hỏng.

Tổ đỉa có thể bội nhiễm vi khuẩn gây ra các mụn mủ, vẩy tiết, nặng hơn có thể bị viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết sưng đau.

Điều trị ra sao?

Điều trị có thể dùng nước muối sinh lý đắp hoặc dung dịch jarish, các mụn nước lớn có thể chọc cho dịch chảy ra nhưng không nên làm vỡ mụn nước. Những thương tổn bệnh có thể bôi kem corticoid mạnh rồi băng bịt cả đêm, có thể bôi trong 1-2 tuần. Trường hợp đám mụn tổ đỉa nhỏ, khu trú có thể tiêm triamcinolon trong thương tổn. Nếu thương tổn nhiều, nặng có thể uống corticoid liều giảm dần nếu không có chống chỉ định dùng thuốc này. Nếu bội nhiễm vi khuẩn có thể dùng kháng sinh uống. Phương pháp điều trị PUVA có thể dùng cho các bệnh nhân bị bệnh nặng, hay tái phát.

Bệnh tổ đỉa là một bệnh khó chữa vì nhiều trường hợp rất khó tìm dị nguyên gây bệnh. Hơn nữa, bàn tay của chúng ta phải làm việc quá nhiều, không thể kiêng cữ được nên làm cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn. Một số bài thuốc dân gian được sử dụng nhưng chúng tôi không có điều kiện nghiên cứu để xác định sự an toàn và hiệu quả của thuốc. Bạn hãy thận trọng vì có thể gây nhiễm khuẩn và làm cho bệnh nặng hơn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng

 

 

 


Ý kiến của bạn