Hà Nội

Đái dầm ở người lớn: Nguyên nhân và cách trị

22-03-2017 15:08 | Bệnh thường gặp
google news

Đái dầm là chứng tiểu tiện không tự chủ được trong lúc ngủ.

Câu hỏi: Chào bác sĩ. Tôi năm nay 27 tuổi, là nữ, chưa lập gia đình. Tôi mắc chứng bệnh đái dầm trong nhiều năm nay, mức độ của bệnh một tuần xảy ra 2 đến 3 lần nhưng cũng có khi một tháng chỉ vài lần. Mặc dù trước khi đi ngủ tôi không uống nước và có đi vệ sinh nhưng bệnh vẫn diễn ra, chỉ khi nào vào khoảng 2, 3h sáng tôi báo thức dậy đi vệ sinh thì hôm đó không sao. Tôi không tự chủ được bản thân nên rất ngại khi đi du lịch hay đến nhà bạn bè chơi qua ngày. Tôi lại sắp lập gia đình, tôi có tâm sự với bạn trai và được thông cảm, bạn trai cũng dẫn tôi đi ra tiệm mua thuốc. Tôi đang dùng thuốc trị đái dầm Đức Thịnh được hơn 2 tuần rồi, nhưng vẫn chưa hết hẳn, vẫn còn xảy ra một vài lần. Cũng nói qua là sức khỏe của tôi rất bình thường, không ốm hay đau gì cả. Vì công việc của tôi là nhân viên văn phòng nên rất nhẹ nhàng, ngày làm 8 tiếng nên không thể ảnh hưởng gì về sức khỏe. Thưa bác sĩ, hãy cho tôi biết tôi đang mắc bệnh đái dầm như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của tôi không ạ? Các chu kỳ kinh nguyệt của tôi cũng rất đều đặn, 28 đến 30 ngày chứ không có vấn đề gì bất thường. Tôi ăn - uống - ngủ - nghỉ rất đều đặn ạ. Mong bác sĩ tư vấn và cho tôi lời khuyên ạ. Tôi cảm ơn bác sĩ!

Trả lời: BSCK II Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E

Đái dầm là một tình trạng tiểu không tự chủ trong lúc ngủ. Đái dầm thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân do cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ thần kinh chưa điều khiển được khi bàng quang chứa nước tiểu.

Tuy nhiên khi trẻ lớn theo thời gian thì đái dầm sẽ tự hết. Nếu đến tuổi trưởng thành mà đái dầm vẫn còn thì đó là biểu hiện bệnh lý.

Nguyên nhân gây đái dầm ở người lớn:

- Do di truyền: Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh đái dầm thì khả năng con bị mắc bệnh đái dầm rất là cao (nguy cơ mắc là 77%).

- Do rối loạn hormone: Bệnh nhân đái tháo đường

- Do bàng quang nhỏ hơn bình thường nên khả năng lưu giữ nước tiểu trong bàng quang kém.

- Do nhiễm trùng đường tiểu nên bệnh nhân lúc nào cũng khó chịu muốn đi tiểu.

- Các triệu chứng rối loạn thần kinh, ngủ quá mệt không tỉnh giấc.

- Táo bón nhiều gây kích thích bàng quang

- Yếu tố tâm lý (stress): hay lo lắng, buồn phiền, mất ngủ cũng có thể gây đái dầm

- Lạm dụng tình dục

Trường hợp của bạn, bạn cần đi khám để tìm nguyên nhân và chữa dứt điểm. Thường đây là một bệnh không nguy hại đến sức khỏe nhưng gây bất tiện trong sinh hoạt. Bạn có sức khỏe tốt, kinh nguyệt đều, ăn uống ngủ nghỉ bình thường thì không lo bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.


BSCK II Vũ Thị Lừu
Ý kiến của bạn