Theo Luật Tổ chức Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, về vị trí, chức năng của Chính phủ quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước.

Sáng 18/2, các ĐBQH ấn nút biểu quyết để thông qua Luật Tổ chức Chính phủ.
Về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ, gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng
Luật Tổ chức Chính phủ quy định 6 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; 9 nguyên tắc phân định thẩm quyền. Luật cũng quy định cụ thể về phân quyền; phân cấp, ủy quyền.
Tại Điều 13 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1/ Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 18/2.
2/ Trình UBTVQH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3/ Trình Chủ tịch nước quyết định các nội dung sau đây: Tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; Phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam;
4/ Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây: Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ, quyết định chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
5/ Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
6/ Ban hành quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương và quyết định một số nội dung cụ.
Trách nhiệm của Thủ tướng và Phó Thủ tướng
Tại Điều 14 quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước; giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trường hợp cần thiết thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

ĐBQH chúc mừng khi Luật Tổ chức Chính phủ được thông qua.
Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Điều 15 quy định trách nhiệm của Phó Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.