Cuộc chạm trán giữa hai ông lớn này chắc chắn là trận đấu đáng chờ đợi nhất có lẽ không chỉ của vòng tứ kết. Sức mạnh, bản sắc truyền thống của mỗi đội cùng lịch sử đối đầu nảy lửa đã tạo ra một cặp đấu kinh điển cho dù giờ thực tế hiện tại của cả Đức và Pháp đang có nhiều điểm khác xa.
Ngoài 22 trận giao hữu, 2 đội đã gặp nhau 3 lần tại World Cup với ưu thế đang nghiêng về người Đức bởi 2 chiến thắng ở 2 kỳ liên tiếp 1982 và 1986, còn Pháp có 1 thắng lợi từ mãi 1958. Trong đó, cả 2 trận mà Đức đánh bại Pháp đều thuộc loại hấp dẫn và kịch tính nhất. Ngoài những màn rượt đuổi, kết thúc theo cách khó tin, người ta luôn nhắc về sự cố ở bán kết giải 1982 khi thủ môn Schumcher của Đức đã có pha lao người khiến hậu vệ Pháp Battiston bị gãy 2 răng, rạn 3 xương sườn, bất tỉnh trên sân, rơi vào hôn mê sâu phải đưa đi cấp cứu.
Tất cả các yếu tố lịch sử đó đã khiến cho cuộc thư hùng Đức - Pháp lần này vẫn có vị trí vô cùng đặc biệt mà ngoài thực lực của hai đội hàng đầu còn là những ân oán và tâm lý tiếp cận riêng, đủ để đẩy tới cao độ tinh thần quyết chiến của mọi cầu thủ. Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay, giới chuyên môn đánh giá Đức luôn có sẵn một lợi thế đáng kể với tư cách đối thủ kị dơ của Pháp.
Có thể kỳ vọng vào chất lượng đỉnh cao nhiều mặt của trận Đức - Pháp trên đất Brazil, tuy nhiên, chắc chắn tính chất kinh điển sẽ khác hẳn khi cả hai đội đều thay đổi nhiều so với các thế hệ trước.
Về mặt tâm lý, cho dù lịch sử luôn có tiếng nói với hiện tại, song Pháp đã không còn “cóng” trước Đức như cũ, đúng như khẳng định của HLV Deschamp: “Chúng tôi không có gì phải ám ảnh bởi quá khứ”. Điều quan trọng là Đức giờ đã khác rất xa. Họ vẫn có lực lượng mạnh, thậm chí lối chơi đẹp và nhuyễn hơn nhiều, song lại không còn giữ được đặc điểm và bản lĩnh của các thế hệ đi trước, rõ nhất ở khả năng vượt lên và giải quyết trận đấu trong thời điểm quyết định, dựa trên những tiền đạo “sát thủ”. Trong khi đó, rất đáng ngạc nhiên vì điểm mạnh truyền thống của Đức giờ phần nào đó lại đang thuộc về Pháp với một vài chân sút, rõ nhất như Benzema có thể mang lại khác biệt bất cứ lúc nào.
Về tổng thể, khó đánh giá đội nào mạnh hơn đội nào bởi Đức hay Pháp đều đang có những điểm mạnh, điểm yếu của mình, vấn đề cho chiến thắng là phong độ, sự chuẩn bị và khả năng tận dụng trong cuộc đấu trực tiếp, cụ thể vào đêm nay (4/7).
Nhìn lại hành trình, đặc biệt trận vòng 1/8, Đức đã đúng nghĩa phải “lết” vào tứ kết sau khi phải hao tâm tốn lực qua 120 phút trong cuộc tranh tài với Algeria còn Pháp giành thắng lợi khá thuyết phục trước Nigeria. Có nghĩa là các học trò của HLV Loew đang chơi không đúng sức, còn thầy trò Deschamp chơi ngày càng hay.
Mọi con số thống kê đang nghiêng hẳn về Pháp và điều đó mang đến một sự tự tin lớn để họ có thể phát huy tối đa sức mạnh đều cả ở 3 tuyến, sự hưng phấn của một đội hình trẻ đầy khát khao. Chỉ có điều, kinh nghiệm trận mạc, nhất là các trận cầu lớn lại là điều mà Pháp đang thiếu và Đức thì có thừa.
Chính những nét mới ấy của cả hai đội lại càng khiến cho trận đấu kinh điển Đức - Pháp càng trở nên đáng chờ đợi với những kịch tính, sức hút đặc biệt của sự... khó lường.
Tường Nhi
Vòng tứ kết sẽ có cái “chết” bất ngờ
Ðó là dự báo được các chuyên gia đưa ra về 4 cặp đấu tứ kết dựa trên diễn biến đầy bất ngờ từ đầu giải, cụ thể nhất là vòng 1/8. Có tới 5/8 trận đấu ở vòng 1/8 đã kéo dài đến hiệp phụ, trong đó có 2 trận phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu. 8 đội vào tứ kết, thực sự chỉ có Colombia khá thảnh thơi khi đánh bại Uruguay không có Suarez 2-0, còn lại đều vô cùng trầy trật. Brazil chỉ thoát hiểm sau loạt đá trên chấm 11m. Ðức và Argentina thắng may trong thời gian đấu hiệp phụ. Hà Lan và Pháp phải đến phút chót mới vượt qua được Mexico và Nigeria, riêng thắng lợi của Hà Lan còn gây tranh cãi với pha ngã quá đẹp của Roben mang đến quả phạt đền ở phút bù giờ thứ 4.
Rõ ràng khoảng cách trình độ của các đội đã được thu hẹp, lối chơi cũng quá ít khác biệt, cho nên khó có đội nào có thể vượt lên hẳn trong vai “ông chủ” định đoạt như Tây Ban Nha cách đây 4 năm.