Sáng nay (13/1), những người biểu tình chống Chính phủ ở Thái Lan đã tập trung tại khu vực Ratchadamnoen; sau đó nhà lãnh đạo biểu tình Suthep đã dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành tới tập trung tại 7 địa điểm biểu tình, hầu hết nằm ở trung tâm Thủ đô Bangkok.
Từ chiều tối 12/1, người biểu tình đã có mặt ở 7 địa điểm biểu tình này để dựng lều trại, sân khấu nhằm chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Đến thời điểm 9h sáng nay, người biểu tình đã chặn đường giao thông tại 7 địa điểm nói trên.
Biểu tình Thái Lan (ảnh: Daily News)
Theo kế hoạch của ban lãnh đạo biểu tình, 7 địa điểm biểu tình này sẽ được coi như "7 ngôi làng" và người biểu tình sẽ có các hoạt động từ 6h đến 16h như bao vây các công sở, nhà riêng của Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Yingluc Shinawatra và các thành viên ban lãnh đạo Chính phủ, cùng các hoạt động tuyên truyền, diễn thuyết nhằm gây sức ép buộc Chính phủ và Thủ tướng tạm quyền từ chức.
Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Yingluck và Nội các Thái Lan đã có mặt ở Thủ đô Bangkok để theo dõi, chỉ đạo việc kiểm soát cuộc biểu tình hôm 13/11. Lãnh đạo Chính phủ lo ngại có "lực lượng thứ 3" gây rối để kích động bạo lực, đồng thời khẳng định Chính phủ không sử dụng vũ lực và không để xảy ra tình trạng đụng độ bạo lực như cuộc đàn áp biểu tình năm 2010.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Thái Lan đã bố trí khoảng 4.000 cảnh sát đảm bảo an ninh trật tự ở các địa điểm biểu tình, bảo vệ các mục tiêu, công sở quan trọng, trong đó có các trung tâm vệ tinh, máy chủ Internet.
Cảnh sát cũng đã thành lập các đội cơ động giải quyết giao thông và cứu thương; đồng thời thông báo cho nhân dân tránh các ngã tư có biểu tình, lập 7 điểm tiếp nhận người bị thương bằng máy bay trực thăng.
Cảnh sát và an ninh Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ di biến động của biểu tình nhằm phát hiện các hoạt động đưa người, vũ khí vào gây rối loạn ở Bangkok.
Với sự chuẩn bị của cả phe biểu tình và phe Chính phủ, tình hình chính trị ở Thái Lan có thể sẽ diễn biến phức tạp, căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cuộc đại biểu tình ngày hôm nay sẽ phải lắng nghe tiếng nói của người dân Bangkok.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Dusit, đa số người dân Bangkok không muốn tham gia biểu tình ngày hôm nay và họ muốn cuộc biểu tình này sớm chấm dứt, không để xảy ra bạo lực và không làm ảnh hưởng tiêu cực tới người dân; mong muốn các bên giải quyết mâu thuẫn bằng giải pháp thương lượng, hòa bình./.
Tống Sơn/VOV-Bangkok