Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nếu tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định sai thì phải sửa, thu hồi, hủy bỏ.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 1276 có hiệu lực từ ngày 14/6/2014.
Theo nội dung quy chế trên, cơ quan đại diện báo chí, hoặc PV thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi, hoặc chấm dứt hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi vi phạm một trong những nội dung sau:
Trưởng cơ quan đại diện, hoặc PV thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; trong một năm có ba nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận; không thực hiện đúng các yêu cầu về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định đối với cơ quan đại diện và PV thường trú.
- Đại biểu Hà Minh Huệ
Sáng 23/6, bên hành lang Quốc hội, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng nếu tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định sai thì phải sửa, thu hồi, hủy bỏ.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo nêu thực tế hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã cử phóng viên thường trú cũng như mở các văn phòng đại diện của mình để có những thông tin nhanh nhất phục vụ bạn đọc.
Việc này cũng đã được các cơ quan quản lý báo chí trung ương rất quan tâm chỉ đạo và đặc biệt cũng có những quy định hết sức cụ thể về việc này.
“Việc cử phóng viên thường trú tại địa phương và cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí cũng đã được địa phương hết sức quan tâm về vấn đề này. Bởi lẽ phóng viên ở trung ương về địa phương thì họ cũng về làm theo cách riêng của họ và cách làm của họ nhiều khi cũng làm phiền lòng các nhà lãnh đạo địa phương”, ông Hà Minh Huệ nói.
Ông Huệ cho biết, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa có ra Quyết định về quản lý phóng viên trung ương trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh Thanh Hóa có đưa ra quyết định có nội dung, nếu phóng viên thường trú, cơ quan đại diện sai phạm nhiều lần sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Bình luận về quy định này, ông Huệ cho rằng: “Trước hết đưa thông tin sai trái trách nhiệm thuộc về phóng viên, thứ hai thuộc cơ quan báo chí sử dụng thông tin đó. Nếu anh thông tin sai là anh đã vi phạm quy định chung về hoạt động báo chí, điều đó thuộc về nghiệp vụ báo chí”.
Còn về mặt quản lý là thuộc các cơ quan trung ương có phóng viên đó, trước hết phóng viên đó phải có trách nhiệm xem những thông tin, bài viết của mình có chuẩn xác không.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo nhấn mạnh: “Phóng viên làm cái gì cũng phải có trách nhiệm, sai thì anh phải đính chính, còn sai liên tục thì không thể chấp nhận được”.
Về việc xử lý vấn đề này, ông Huệ cho rằng trước hết địa phương phải thông báo cho lãnh đạo của cơ quan cử phóng viên thường trú đó để trao đổi và đi đến quyết định cụ thể hơn.
“Còn tôi nghĩ nếu ba lần đưa thông tin sai thì cũng không nên cho hoạt động báo chí, chứ chưa nói đến việc thường trú ở một địa phương như vậy. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thực tế cụ thể và ảnh hưởng đến dư luận xã hội nói chung”, ông Huệ phân tích.
Ông Huệ nêu quan điểm khi ban hành bất kỳ văn bản Quyết định, tỉnh Thanh Hóa cũng phải thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Về mặt quản lý báo chí nói chung là thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, còn quản lý báo chí theo ngạch phối hợp thì có Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam.
“Theo tôi việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định như vậy thì Bộ Thông tin và Truyền thông phải xem xét vấn đề này cho cụ thể hơn xem văn bản đó đúng thẩm quyền hay không và tôi cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến chính thức về vấn đề này”, Phó Chủ tịch Hội nhà báo kiến nghị.