Hà Nội

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe

02-11-2017 20:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhìn chung các ý kiến thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, sâu sắc, mang tính xây dựng.

Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe...

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước): Nâng cao nhận thức của nhân dân khi chăm sóc sức khỏe


Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng có ý nghĩa quan trọng. Theo thống kê hiện nay vẫn còn 30% dân số chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe ban đầu, thói quen theo dõi sức khỏe định kỳ, thường khi bị bệnh mới đi chữa trị. Một bộ phận nhân dân chưa quan tâm nhiều đến phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng và yếu tố môi trường, luyện tập thể dục thể thao để giữ gìn sức khỏe từ xa, nhằm nâng cao số năm sống khỏe, ít bệnh, tăng cường tuổi thọ, giảm chi phí điều trị. Vì vậy, việc tăng cường giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân phải hiệu quả, phải chuyển định hướng tạo chuyển biến trong nhận thức, hình thành thói quen từ việc Nhà nước phải chăm lo sức khỏe cho mọi người dân sang việc chăm lo sức khỏe là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và bản thân mỗi người dân. Ở đây khẳng định trách nhiệm của nhân dân khi chăm sóc sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Quyết liệt giảm dần vai trò bao cấp của Nhà nước, tăng vai trò của nhân dân và gia đình. Đặc biệt trong công tác dự phòng phải làm sao Nhà nước và nhân dân cùng đồng hành trong công tác phòng bệnh.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Cải thiện chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế


Hiểu một cách đơn giản, ngành y tế đầu vào gồm thuốc, vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh, thước đo rõ ràng nhất chính là sự hài lòng của người bệnh. Và ở giữa chính là cán bộ, nhân viên y tế. Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không gây lãng phí, trục lợi BHYT, chúng ta chỉ tác động đến đầu vào và khâu giữa. Đầu vào là khâu vừa dễ vừa khó. Dễ là chỉ cần áp dụng phương thức đấu thầu tập trung, áp giá thuốc bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương tự Việt Nam. Nhưng khó là ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền quyết định, hình thành nên mức giá “made in Việt Nam”. Chỉ cần cải tổ đầu vào, Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản lớn vì hiện nay đa số tiền quỹ dành để chi trả cho thuốc và các vật tư tiêu hao. Đồng thời, cần xem xét lại quy trình khám và cấp phát thuốc cho người sử dụng BHYT tránh bất cập, làm mất công sức người bệnh, lãng phí quỹ BHYT. Ví dụ với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, không nên quy định mỗi tháng khám một lần, vì có nội dung chỉ cần khám thường quy 6 tháng một lần.

Có thể thấy, khâu giữa là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến người tạo ra sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần tiến hành đồng thời 2 hướng, thứ nhất là nâng cao chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế. Nếu cứ vừa làm vừa lo thiếu phương tiện, thuốc men, lo chậm trả lương, lo người nhà bệnh nhân có thể hành hung... như hiện nay thì không “từ mẫu” nào có thể yên tâm làm việc được. Song song với đó, cần nâng cao kiến thức, tái đào tạo nhân viên toàn bộ hệ thống. Chỉ như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lãng phí, lạc hậu, gây nguy hiểm cho người bệnh.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Tầm vóc, thể lực người Việt Nam đang gặp vấn đề


Thông tin ngày 26/10 vừa qua, Viện Y học ứng dụng công bố nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, trung bình là 164,4cm. Nữ giới đứng thứ 13 với chiều cao trung bình là 153,6cm. Cụ thể, chiều cao của nam giới Việt Nam đứng 182 và nữ thứ 188 thế giới. Chỉ so với 13 nước trong khu vực, chiều cao của Việt Nam đứng thứ 9, chỉ hơn Indonesia, Philippines và Lào. Đây là vấn đề đáng quan tâm. Tầm vóc và thể lực người Việt Nam đang gặp vấn đề lớn và liệu đây có phải nguyên nhân làm năng suất lao động cũng không cao? Đề nghị Chính phủ dành nguồn lực thích đáng để thực hiện đề án phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam, đồng thời tăng cường các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.


H. Phong
Ý kiến của bạn