Hà Nội

Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hành vi làm phiền khách hàng của nhân viên bảo hiểm

29-10-2021 12:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng nhiều chủ thuê bao di động bị làm phiền bởi các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa vấn đề này vào các hành vi bị cấm trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội: Không có bảo hiểm giống như đi cầu thang không có tay vịnChủ tịch Quốc hội: Không có bảo hiểm giống như đi cầu thang không có tay vịn

SKĐS - Nhấn mạnh vai trò của bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lấy so sánh: "Cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn".

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 29/10 Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành huy động vốn.

Đại biểu lý giải thêm về vấn đề này: "Tức là người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến rủi ro, đổ vỡ". Theo đại biểu đoàn Thái Bình, hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng nên sẽ là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp lợi dụng.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nhằm tăng cường quản lý.

ĐBQH đề nghị cấm hành vi làm phiền khách hàng của nhân viên bảo hiểm - Ảnh 2.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hóa.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phản ánh tình trạng nhiều chủ thuê bao di động bị làm phiền khi suốt ngày nhận các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm. Từ đó, ông Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa vấn đề này vào các hành vi bị cấm trong dự án luật.

Trong khi đó, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tại điểm b, c, khoản 4, điều 10 quy định về hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị: "Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không xảy ra như dự thảo đã nêu mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để cố ý viết, điền, khai hộ, khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Việc này, dẫn đến từ chối chi trả bồi thường theo cam kết, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có vấn đề phát sinh. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này".

ĐBQH Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị đề nghị bổ sung vào khoản 1 điều 14 về nội dung hợp đồng của dự thảo luật, nội dung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Đại biểu Tuấn cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung "trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm", để xác định rõ đây là điều khoản bắt buộc cần phải có trong hoạt động bảo hiểm.

Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Tránh việc doanh nghiệp cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ làm cho người mua hợp đồng khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi, định chấm dứt hợp đồng thì mới biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc phí được hoàn trả không được như mong muốn, thất vọng, bức xúc mất niềm tin với doanh nghiệp.

Tại Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nêu rõ, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...

Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.

Về nội dung chính của dự thảo Luật, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người dân Khánh Hòa thích ứng an toàn với COVID-19 nơi công cộng.


Lê Bảo - Hoàng Dương
Ý kiến của bạn