Tuy nhiên, tại tọa đàm “Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách BHXH” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia cho biết, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chủ chương, chính sách BHXH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như độ bao phủ BHXH tăng chậm, sự kết nối giữa chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ, BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia...
Tốc độ tham gia BHXH của người dân còn chậm.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có 4 thách thức lớn nhất mà cơ quan BHXH phải đối mặt hiện tại và khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đó là khó khăn trong mở rộng độ bao phủ BHXH; sự khác nhau giữa chính sách BHXH bắt buộc với 05 chế độ mà chính sách BHXH tự nguyện có 2 chế độ; trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa cao; người dân vẫn còn một số băn khoăn về chính sách BHXH.
“Đây là 4 thách thức lớn mà tôi cho rằng chúng ta phải sớm khắc phục bằng cả đổi mới chính sách, bằng cả tổ chức triển khai thực hiện, bằng cả chỉ đạo của Đảng về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, qua các đợt giám sát, ở một số địa phương chưa quan tâm đến chế độ, chính sách BHXH cho người lao động, gần như giao khoán cho ngành BHXH. Sự tham gia của các tổ chức khác với vai trò tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, tốc độ tham gia BHXH của người dân còn chậm.
Chia sẻ thêm khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi chính sách BHXH, ông Bùi Ngọc Chương - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, qua theo dõi, có một số điểm nổi lên trong chính sách BHXH: Nhận thức của một bộ phận nhỏ người dân còn hạn chế; chính sách bảo hiểm thất nghiệp có mục đích giúp người lao động được quay trở lại học nghề, để quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, chính sách này lại bị lạm dụng, khi nhiều đối tượng đi nhận bảo hiểm thất nghiệp xong, liền sang đơn vị khác làm.
“Đây là vấn đề nhận nhiều ý kiến của cử tri, kể cả người trong bộ máy quản lý cũng hiểu chưa đúng. Từ sau sự việc này, đòi hỏi chúng ta cần lưu ý trong cả nhận thức của người lao động lẫn cơ quan quản lý trong tuyên truyền, phổ biến chính sách” - ông Bùi Ngọc Chương nói
Còn ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, về mặt pháp luật, tính tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm, kể cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người lao động cũng có ý tưởng trốn tránh pháp luật. Thời gian qua, chúng ta đã có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động nhưng chưa có biện pháp, chế tài đối với người lao động. Thứ nữa, đối với những đối tượng vi phạm pháp luật thì biện pháp xử phạt lại mờ nhạt và triển khai chậm. Con số nợ bảo hiểm lên đến 5.000 tỷ đồng, nhưng từ đầu 2018 chưa truy tố một vụ nào trốn đóng BHXH. Trong đó, nợ khó đòi lên đến 1.700 tỷ đồng, điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi lao động.
Từ góc nhìn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Lê Đình Quảng cho hay, chính sách BHXH chưa thực sự linh hoạt, hấp dẫn với người lao động; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH còn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH, làm giảm niềm tin của người lao động với chính sách của nhà nước. Thu nhập, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Trên 55% người lao động có thu nhập chỉ đủ mức chi tiêu hàng tháng, không có tích lũy. Khi dừng hợp đồng lao động, họ buộc phải tính đến việc nhận BHXH một lần. Tiền lương đóng BHXH trên thực tế còn rất thấp, đa số các doanh nghiệp đóng ở mức bằng hoặc trên lương cơ sở một chút, dẫn đến quyền lợi, mức hưởng khi người lao động nghỉ hưu là rất thấp.