Đại biểu hiến kế khôi phục 'dòng sông chết' bảo vệ sức khỏe người dân

26-10-2023 11:38 | Thời sự

SKĐS - ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện các dòng sông suối đang bị ô nhiễm, cạn kiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nên vấn đề phục hồi các dòng sông rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH quan tâm tới bảo đảm an ninh nguồn nước.

Góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ, đồng thời đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Về bảo vệ nguồn nước mặt, đại biểu thống nhất Điều 21 dự thảo luật đã quy định mang tính nguyên tắc bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động, tích cực lưu trữ, duy trì dòng chảy… Để hoàn thiện hơn nội dung này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, tăng cường hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý và Chính phủ quy định cụ thể.

ĐBQH hiến kế khôi phục 'dòng sông chết' để bảo vệ sức khỏe người dân - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, việc triển khai Nghị định 167/2018 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả tích cực, giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm, hạ mức nước ngầm của các tầng chứa nước của các tỉnh, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, quy định của Nghị định 167 còn chưa phù hợp với thực tiễn.

Do đó, đại biểu đề nghị, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời gian không quá 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, đồng thời phải xác định được các khu vực tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi. Khu vực tầng dưới nước cần được xác định khai thác nước dưới đất, phương án khai thác nước dưới đất, khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, hạn chế khai thác nước đất, giải pháp đảm bảo chất lượng nước dưới đất.

ĐBQH hiến kế khôi phục 'dòng sông chết' để bảo vệ sức khỏe người dân - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Quan tâm tới việc phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt, ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các "dòng sông chết". Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...

Theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước…

ĐBQH hiến kế khôi phục 'dòng sông chết' để bảo vệ sức khỏe người dân - Ảnh 3.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, công trình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đồng thời, vị đại biểu Đoàn tỉnh Bình Định cũng bày tỏ nhất trí với quy định bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Đại biểu Quốc hội: Vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã được gỡ khóĐại biểu Quốc hội: Vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã được gỡ khó

SKĐS - ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã có nhiều nghị định, quy định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp địa phương bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn