Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát các gói hỗ trợ năm 2020 và 2021

21-07-2021 14:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. HCM) đề nghị Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

An sinh xã hội là vấn đề quan trọng

Cuối phiên làm việc buối sáng ngày 21/7 của Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. HCM) ghi nhận công tác chuẩn bị cho Kỳ họp, các ĐBQH đều đã được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, Văn phòng Quốc hội đã bố trí 1 cung đường, 2 điểm đến, chỉ từ chỗ ở đến chỗ họp và ngược lại, giúp các ĐBQH yên tâm.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cảm ơn Quốc hội đã đồng ý việc gỡ bỏ khu cách ly tại 19 đoàn BĐQH của các tỉnh miền Nam với hơn 180 ĐBQH.

Đối với góp ý về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát, chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát. Theo đó, danh sách đoàn giám sát phải mở để khi có dịch thì phân công cho đồng chí ở địa phương đó đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đối với khâu tiền giám sát, cần phải có số lượng báo cáo đầy đủ cho các thành viên của đoàn giám sát để từ đó có sự tư vấn từ các chuyên gia về lĩnh vực được giám sát, giúp cho đoàn có cơ sở khoa học để tiến hành giám sát. Về hậu giám sát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng vừa qua báo cáo việc này rất ít, có nhiều đoàn giám sát không biết địa phương, đơn vị đã thực hiện những vấn đề được chỉ ra trong quá trình giám sát như thế nào.

Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng quy trình cho ĐBQH, tổ ĐBQH thực hiện việc tự giám sát. Cuối cùng ĐBQH Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vắc xin thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

Nhiều nội dung giám sát thì phải “liệu cơm, gắp mắm”

Cũng nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng vấn đề giám sát, nhất là giám sát tối cao của Quốc hội là rất cần thiết: “Chúng ta có rất nhiều nội dung giám sát tuân theo pháp luật, giám sát để thực hiện những quyết định của Quốc hội. Theo đề nghị của các đại biểu, của các đoàn, có nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực cần giám sát. Tôi nghĩ rằng, trong nhiều nội dung như vậy thì phải “liệu cơm, gắp mắm”. Tôi thán thành với tinh thần tờ trình của UBTVQH, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn danh sách chuyên đề cụ thể”.

Cũng theo đại biểu Vũ Trọng Kim, khi đưa chương trình cụ thể từng chuyên đề, chúng ta thường có kế hoạch chặt chẽ, có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và khi thực hiện báo cáo giám sát nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, tồn tại kể cả những vấn đề kiến nghị.

Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu, trong những kiến nghị đó, các địa phương, các đối tượng được giám sát có những kết quả gì, đã thực hiện ra làm sao chứ không phải như “lưỡi dao chặt xuống nước” sau khi “lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ”.  Cho nên, chúng ta có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó đạt kết quả như thế nào để thực hiện những kiến nghị cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả đã thực hiện hay trả lời những kiến nghị đó cụ thể.

Cũng phát biểu tại hội trường, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về hành chính và giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Theo đại biểu, có 2 chuyên đề hiện nhân dân rất bức xúc, đó là việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và Chuyên đề thứ hai là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát.

Trước bài phát biểu thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH - TP. HCM) cảm ơn Quốc hội đã đồng ý gỡ bỏ khu cách ly tại 19 đoàn BĐQH của các tỉnh miền Nam với hơn 180 ĐBQH do đã thực hiện loạt biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV.

Lê Bảo - Hoàng Lê
Ý kiến của bạn