Hà Nội

"Đại án tham nhũng" Vinalines: Khó chứng minh khoản “hoa hồng” 10 tỉ

23-04-2014 14:45 | Thời sự
google news

Trong buổi sáng 23/4, các Luật sư tập trung làm rõ về khoản tiền được cho là “hoa hồng” trong việc mua ụ nổi 83M. Qua đó, chỉ ra nhiều tình tiết mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Sơn tại CQĐT khi tố cáo Dương Chí Dũng chỉ đạo Sơn: “Chú đưa anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”.

Trong buổi sáng 23/4, các Luật sư tập trung làm rõ về khoản tiền được cho là “hoa hồng” trong việc mua ụ nổi 83M. Qua đó, chỉ ra nhiều tình tiết mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Sơn tại CQĐT khi tố cáo Dương Chí Dũng chỉ đạo Sơn: “Chú đưa anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”. Và về lời khai Phúc chỉ đạo Sơn chia cho Chiều 500 triệu đồng.

Mâu thuẫn lời khai

Mở đầu phần xét hỏi của các luật sư, ông Lê Huy Được, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc có đề cập về trách nhiệm của Phúc với cương vị Tổng GĐ Tcty Vinalines. Bị cáo Phúc khẳng định: ”Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức 14 tháng. Phúc cho rằng, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã xảy ra từ thời điểm đó. Trong thời gian đảm đương chức vụ của mình, bản thân Phúc cho rằng mình đã có đóng góp, cống hiến lớn, thu về 4000 tỷ đồng cho Vinalines. Việc cử đoàn khảo sát ụ nổi 83M đi Nga, Phúc không nhận được lợi ích vật chất gì từ Sơn liên quan đến việc mua ụ nổi 83M.

Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Luật sư Được lật lại lời khai của Sơn về việc đã 3 lần giao tiền cho Phúc và bị cáo Phúc phủ nhận ngay. Phúc nói: “Đó là lời khai đáng ngờ. Sơn thay đổi lời khai liên tục, mỗi lần khác nhau. Và Lần đầu khai 2 lần mang tiền đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long, 1 lần ở nhà khu Thụy Khuê nhưng lần sau lại đổi lại là 1 lần mang về quê vì sau đó Sơn biết ngôi nhà ở Thụy Khuê Phúc và gia đình không ở, đã cho thuê từ lâu. Lần Sơn khai mang tiền về quê An Hồng, An Dương, Hải Phòng cho Phúc, bị cáo Phúc cũng không xác nhận. Theo Phúc; “Sơn khai khi đó con trai Phúc lái xe đưa vợ chồng Phúc về quê nhưng thực tế khi đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể có mặt ở Việt Nam”.

Luật sư Được nhắc lại trước tòa vềviệc Sơn khai; “1 lần đưa tiền cho Phúc, Sơn rút tiền (2 tỷ đồng), nhưng tại Ngân hàng Hàng hải xác nhận không có việc rút tiền như Sơn khai. Bị cáo đáp; Tôi giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Sự thật thì vẫn cứ là sự thật thôi”. Luật sư Được nhắc lại chuyện tết năm 2008, Sơn khai có mang tiền đến cho Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng. Ông Được muốn Sơn cho tòa biết cụ thể ngày đưa tiền? Nhưng bị cáo Sơn nói: “Tôi không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ khoảng thời gian”.

Ông Được đọc lại lời khai của Phúc , trong đó thể hiện sự nhận định thủ tục thanh tóan ụ nổi 83M hoàn toàn hợp pháp, bị cáo vẫn bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao cơ quan điều tra nói việc này thiếu chứng từ mà 2 lần hỏi ý kiến ngân hàng, đơn vị này vẫn khẳng định đã đủ, đúng nên ngân hàng mới giải ngân. Tại bút lục hỏi cung, Sơn nói; “khi đi khảo sát ụ nổi 220 về đoàn đã báo cáo Dũng, Phúc nhưng 2 “sếp” không nói gì. Đầu 2007 Dũng, Phúc tiếp tục chỉ đạo cán bộ đi khảo sát ụ nổi 83M với lời dặn làm sao mua được ụ này và mua thông qua công ty AP chứ không phải qua chủ ụ.

Ở một bản khai khác, Sơn nói: “Tôi phải làm việc với từng sếp Dũng, Phúc vì biết 2 người này không ưa nhau, mâu thuẫn lớn, thậm chí kéo bè kết phái ở TCTy làm tổn hại đến công việc chung”. Sơn xác nhận lời khai này. Luật sư hỏi tiếp: “Với quan hệ như thế thì liệu 2 ông Dũng, Phúc có cùng bàn bạc, thảo luận để cùng thống nhất một kế hoạch tham nhũng, tiêu cực?”. Sơn trả lời: “ việc đánh giá là tùy từng người và không nói gì thêm”.

Khó gọi tên những khoản tiền 10 tỷ.

Về khoản “hoa hồng” 10 tỷ mà Sơn khai đã đưa cho Dũng, Phúc, Luật sư Được chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai của Sơn khi bị cáo nói gặp Dũng, Dũng chỉ đạo “anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”, gặp Phúc tại phòng, Sơn lại kể Phúc ra lệnh “anh Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, anh Chiều 500 triệu đồng, còn lại cho em chia anh em”. Sơn đáp: “Có thể có những bản khai không đọc lại hết, có thể ghi sai, có bản nhiều ngày sau mới ký”.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp vặn bị cáo Trần Hải Sơn về việc nói lý do, nguồn gốc khoản tiền khi chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Sơn đáp: “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”? Ông Thiệp hỏi bị cáo sơn: “Nếu yêu cầu tả lại nhà của Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng như thế nào, bị cáo có làm được không?” Sơn gắt gỏng: “Khổ quá. Cứ hỏi tôi chi tiết xong vặn. Tôi không nhớ những cái đó nhưng nếu giờ HĐXX cho xe chở, tôi sẽ đưa về đúng căn nhà đó”. Ông Thiệp khẳng định; “Bản thân Sơn, khi đưa tiền đã không nói tiền do đâu có thì việc ở cơ quan điều tra lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc đưa tiền hoa hồng từ ụ nổi 83M là có chủ ý, không bình thường.

Luật sư Trần Đình Triển vặn hỏi Trần Hải Sơn: “anh hãy nói rõ về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory? Sơn đáp: “Tôi không nhớ chính xác giờ nào, chiều hay tối, nhưng hôm đó tôi có liên lạc với Dũng.

Sơn lý giải về hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải có chứng nhận đầu tư mới làm được?Nhưng để hợp pháp hóa khoản tiền 1,666 triệu USD, Sơn đã lập hợp đồng khống, rồi thanh toán, chuyển trả qua lại giữa công ty AP và Phú Hà cho đến khi nhìn thấy khoản tiền đó chảy về Việt Nam, thông qua Cty Phú Hà. Tất cả những việc làm này Sơn thực hiện theo sự hướng dẫn cảu ông Goh. Trước đó, Sơn gặp ông Goh tại cuộc khảo sát ụ nổi 83M.

Nhưng Luật sư Triển đặt câu hỏi về bút lục ghi lời khai của Sơn về việc thỏa thuận với ông Goh Hoon Seow để chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam qua công ty Phú Hà. Thời điểm thỏa thuận diễn ra trước khi Vianlines ký hợp đồng mua ụ nổi. Khi đó, ông Goh gặp Sơn tại khách sạn Hoa Hồng, gần TCTy Hàng hải? Nhưng ngay lập tức, HĐXX nhắc ông Triển hỏi “láu”, không đầy đủ nội dung, theo hướng có lợi cho thân chủ.

Luật sư Thắng tỏ ra băn khoăn về hoạt động kinh doanh của cty Phú Hà, trong việc hạch toán với gần 30 tỷ đồng chuyển về Cty như thế nào? Nhưng bà Hà từ chối trả lời vì cho rằng đây là hoạt động kinh doanh riêng của doanh nghiệp. Ông Thắng hỏi về việc bà Hà mua nhiều nhà, đất trong quá trình này chuyển hóa khoản tiền 30 tỷ nói trên. Bà Hà phản ứng luật sư và cho rằng đây là việc cá nhân, gia đình, luật sư không có quyền hỏi.

Luật sư Phạm Thị Hồng Phúc đề cập đến văn bản trả lời của Bộ GTVT đối với đơn kêu oan của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Phân xử nội dung hỏi về việc ụ nổi có phải là tàu biển không, cơ quan chuyên môn này đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Theo Dương, đây là văn bản thứ 3 cùng về nội dung này Bộ GTVT đã đưa ra (văn bản được Bộ này gửi đến trại giam T16 Bộ Công an).

Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên tham gia chuyến khảo sát ụ nổi 83M tại Nga) được hỏi lại về việc lập báo cáo kết luận khảo sát. Dương khẳng định, việc chưa thực hiện đúng hướng dẫn mẫu B10 là vì thời gian tiếp cận ụ nổi có hạn, do phía đối tác bố trí nên đoàn khảo sát khá bị động, bị cáo không cố ý phạm tội. Báo cáo B10 đã được bị cáo báo cáo cấp trên là Cục Đăng kiểm trước khi hoàn thành, gửi cho Vinalines. Vì vậy, theo Dương, nếu sai thì sai khâu đầu ở lãnh đạo cơ quan chủ quản. Hơn nữa, với thời gian làm việc chỉ nửa buổi, bị cáo chỉ thực hiện giám định theo xác suất, không xem xét được toàn diện ụ nổi 83M. Bị cáo Dương để nghị HĐXX miễn cho bị cáo phần trách nhiệm bồi thường này việc mua ụ nổi và cân nhắc lại tỷ lệ vì giá mua ụ nổi ban đầu như Dương biết chỉ là 2,3 triệu USD. Còn các khoản khác phát sinh là từ tiền vận chuyển, lai dắt, neo đậu, sửa chữa… bị cáo cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm.

Đại diện Bộ tài chính với vai trò giám sát liên ngành gồm 5 bộ trong việc mua ụ nổi 83M khẳng định rằng cả 5 bộ đã thống nhất rằng ụ nổi không phải là tàu biển. Vì vậy, Hải quan Vân Phong không sai phạm trong việc giám định ụ nổi 83M. Còn Đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định lại, tại Việt Nam có những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn hoạt động bình thường và đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp. Ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay thậm chí còn gần 100 tuổi. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Cục đăng kiểm giải thích không thỏa đáng. HĐXX công bố 2 văn bản của Bộ GTVT với nội dung khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là một thiết bị sửa chữa tàu di động, nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi).

Bất đồng "tàu biển" hay "ụ nổi"

Trước đó, trong phiên xử đầu giờ sáng nay, hầu hết các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của Vinalines cùng đăng kiểm viên, cán bộ hải quan đều khẳng định đã làm đúng nhiệm vụ.

 

Quang cảnh phiên tòa (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bị cáo Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin, trực thuộc Vinalines chối bỏ trách nhiệm khi tham gia đoàn khảo sát mua ụ nổi 83M tại Nga. Khang khai chỉ làm phiên dịch viên chứ không tham gia quá trình soạn thảo các báo cáo của đoàn khảo sát, khi đoàn trở về Việt Nam. Khang không có mục đích, động cơ trong thương vụ mua ụ nổi mà làm việc công tâm theo trách nhiệm được giao phó. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ lời khai này va cho rằng, nếu tình trạng ụ nổi được phản ánh đúng, khách quan sẽ không có chuyện Vinalines quyết định mua với số tiền lớn như vậy để gây thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước. Cuối cùng, Khang thừa nhận đã không nắm rõ pháp luật nên vô tình phạm tội, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Thẩm vấn về trách nhiệm "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, đăng kiểm viên - ông Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) dù chống án kêu oan tuy nhiên khi bị thẩm vấn đã thay đổi, xin toà phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) vẫn “bảo lưu” việc khai nhận trước đó tại cơ quan điều tra là do bị cán bộ ép cung, viết theo tờ khai của cán bộ. Do thời điểm bị tạm giam, bị cáo ốm đau nên làm theo. “Bị cáo có những uất ức xin gặp VKSND Tối cao nhưng không được gặp, mong toà xem xét".

Ông Trần Thái Sơn (giám định viên vụ án, cán bộ Bộ Tài chính) cho rằng, ngay Bộ Công an, Bộ GTVT cũng cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển. Trên thực tế, ụ nổi này không tự di động được mà phải lai dắt về Việt Nam. “Chúng tôi đã cho rằng “coi như là tàu biển” để nhập khẩu về Việt Nam. Việc nhập khẩu, đối với cơ quan hải quan, chỉ là thủ tục, chứ không phải là điều kiện nhập khẩu. Hải quan có quy định, kiểm tra và giám sát hàng hoá, điều đầu tiên phải biết tên hàng hoá đó là gì. Ở mỗi quốc gia có tên gọi khác nhau, nhưng đều chung một quy ước để đưa vào mã số cụ thể. “Tôi khẳng định, ụ nổi tiếng Anh có chú giải, mã số là gì. Trong khi đó, các loại tàu có mã số khác nhau, không giống với ụ nổi”.

Phó chánh thanh tra Bộ GTVT Trịnh Viết Lộc, trả lời: "Ụ nổi không phải tàu biển, vì Bộ là cơ quan soạn thảo Luật hàng hải, trình quốc hội. Điều 11, định nghĩa, tàu biển trước hết là tàu, vật thể nổi trên biển, ụ nổi là vật thể nổi. Tàu biển di động được, còn ụ nổi không tự di động được nên không thể là tàu biển được". Tuy nhiên, thẩm phán-chủ toạ Nguyễn Văn Sơn vẫn chất vấn: “Di động có nhiều hình thức” và bảo lưu quan điểm "ụ nổi là tàu biển".

Đại diện Cục đăng kiểm, ông Đinh Quốc Vinh cho biết, sau phiên sơ thẩm, Bộ GTVT cũng khẳng định, đến giờ vẫn nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển. Lê Văn Dương đã làm đúng theo quy định của luật hải quan. Tàu biển có thể là tàu, có thể là cấu trúc nổi mà ụ nổi là cấu trúc nổi nên đương nhiên là tàu biển... Chủ toạ phiên toà khẳng định: "Cục đăng kiểm chưa làm đúng, hết chức năng của mình, phải nhận xét xem, kiểm tra giám định đó đúng chưa, và ụ nổi có đủ điều kiện nhập khẩu, thông quan".

 


Ý kiến của bạn