Đặc sắc "vũ điệu" thổi cơm tại Lễ hội chùa Láng.

Lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử chùa Láng được tổ chức thường niên vào các ngày 5,6,7,8 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Lễ hội có rất nhiều trò chơi dân gian như: đập niêu đất; tổ tôm điếm; bịt mắt bắt lợn…; đặc biệt có trò chơi thổi cơm thi mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa Việt đã thu hút đông đảo nam nữ trong làng tham gia.

Trò chơi trong lễ hội cổ truyền không chỉ là một trò chơi giải trí, thi tài trong dịp lễ hội mà nó còn thực sự là trò diễn mang yếu tố nghi lễ. Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi thường được coi là vật phẩm dâng cúng Đức Thánh với ý nghĩa vật phẩm ấy đã tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức và được nhiều người dân ủng hộ từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm đó là biểu trưng cho lòng thành kính của người chơi đối với Đức Thánh.

Năm nay, hội thổi cơm thi chùa Láng được tổ chức thành 3 đợt thi, mỗi đợt thi gồm 4 thí sinh với thời gian là 30 phút.

Để có nồi cơm ngon thì từ khâu chuẩn bị gạo đến lúc nấu là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Các đội thi phải mặc trang phục truyền thống, đặc biệt người tham gia thi phải vừa thổi cơm, vừa nhảy múa.

Để có thể vừa nhảy múa, vừa thổi cơm, người chơi phải thực sự khéo léo và tập trung.


Nụ cười vui sướng của bác gái khi nồi cơm tỏa ra mùi gạo mới thơm nức.


Thỉnh thoảng, mọi người phải dừng lại để đẩy củi.


Phiêu trong điệu múa nhưng vẫn phải giữ được ngọn lửa đều thì cơm mới chín trong thời gian quy định của ban tổ chức.

Hạt cơm dẻo, chín đều, ngọt thơm và nóng hổi được xới ra khỏi niêu cho mọi người và giám khảo thưởng thức.

Trò chơi nấu cơm thi thể hiện đời sống lao động của cư dân trồng lúa Việt Nam đã trở thành lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.