Những năm 1967-1968, vào Trường Sơn có 3 sĩ quan cao cấp tăng cường cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559 là Nguyễn An - Tham mưu trưởng vận tải (sau là Phó Tư lệnh Đoàn 559, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần); Nam Hải - Tham mưu phó công binh (sau là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và Nguyễn Chúc - Tham mưu phó vận tải. Không hẹn mà trong ba lô con cóc đi B của 3 ông đều có những bản Truyện Kiều khác nhau. Chẳng bao lâu sau khi vào Trường Sơn, họ được mọi người trìu mến gọi là “3 anh Kiều”. Và “3 anh” thực sự trở thành hạt nhân của một phong trào văn hóa mới góp phần thổi bùng tinh thần lạc quan, yêu đời trên tuyến đường mà không ngày nào không có người ngã xuống vì bom đạn, sốt rét rừng...
Ông Nguyễn An có quyển Kiều xuất bản năm 1925 của Vĩnh Hưng Long thư quán Hà Nội do Bùi Kỷ hiệu đính; ông Nam Hải có quyển Kiều “Tây”, Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp; còn ông Nguyễn Chúc mang theo quyển Kiều do Tản Đà chú dẫn, nhà sách Hương Sơn tái bản năm 1952. Họ đều là những nhà quân sự từng trải, xông pha trận mạc từ thời chống Pháp, lại có một sở thích giống nhau là rất yêu “nàng Kiều”. Những lúc nghỉ ngơi thư giãn, có dịp gặp nhau là bàn thảo về cái hay, cái tuyệt vời trong tác phẩm của cụ Nguyễn Du. Với bản tính thông minh, hóm hỉnh, họ còn rất biết cách vận dụng Kiều vào những phút thư giãn trong đời sống hàng ngày, mang lại cho mọi người những tiếng cười sảng khoái.
Đố Kiều
Khó có thể nói trình độ thuộc và hiểu Kiều của “3 anh” ai hơn ai, họ thường có những lúc “kiểm tra nhau” vui đáo để. Tết Mậu Thân (1968), sau khi nghe lời chúc Tết của Bác Hồ, cánh tham mưu kéo nhau vào hầm của ông Nam Hải, người chủ trò để thi tài. Trưởng nhóm ra đề: Lúc nãy, ở hội trường ta đã hô quyết tâm, vậy phải tìm ra nhanh nhất chữ “quyết” trong Truyện Kiều. Ông Nguyễn Chúc vốn nghiện thuốc nặng thì bổ sung: Ai tìm được chữ “quyết” hay nhất còn được thưởng bao Điện Biên bao bạc. Nguyễn An nổ ngay: Hạt mưa xá nghĩ phận hèn/Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. Mọi người trầm trồ: Khá đấy! Nguyễn Chúc liền cao giọng: Nàng rằng đã quyết một bề/Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần. Mọi người khen có hình tượng hay. Trưởng nhóm mới thủng thẳng nói, mình sẽ đọc câu có thêm dụng ý ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn chúng ta tấm lòng trong sáng vì nghĩa lớn: Gương trong chẳng chút bụi trần/Một lời quyết hẳn muôn phần kính yêu. Mọi người đang gật gù, phen này giải thưởng tất về tay nhóm trưởng thì ông Nguyễn An tỉnh nhất, xua tay: Không đúng văn trong Kiều. Một lời ắt hẳn muôn phần kính yêu cơ. Ông Nam Hải cười trừ, lẳng lặng móc túi ra bao Điện Biên đặt lên bàn nộp phạt.
Lần ấy, hội đố Kiều bị bất ngờ bởi nhà văn Chu Văn khi ông dẫn đoàn nghệ thuật tỉnh Nam Hà vào biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn. Nhà văn nói: Đố các vị, nàng Kiều con ai? Mọi người nhao nhao: Con ông bà Viên ngoại chứ con ai. Nhà văn lắc đầu, nói: Kiều là con của con cọp. Anh em định phản đối thì nhà văn mới đọc câu Kiều: Hổ sinh chút phận thơ đào, là gì nhỉ? Đành thua, nhà văn tinh quái, chữ “hổ” là hổ thẹn, đánh đồng với con hổ(!)
“Anh Kiều” Thiếu tướng Nguyễn An sau ngày nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, ông nhận huy chương Vì sự nghiệp khuyến học.
Cũng là đồng âm khác nghĩa, một lần “anh Kiều” Nguyễn Chúc đã làm khó bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo - Trưởng phòng Quân y Bộ Tư lệnh (sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân y). Ông hỏi: Đố anh Thảo, Kiều mắc bệnh gì? Tất nhiên chẩn bệnh phải dựa vào nhiều thứ như vọng, văn, vấn, thiết của Đông y hay các xét nghiệm lâm sàng của Tây y, vả lại, bác sĩ trưởng phòng cũng không mấy thuộc Kiều, cười trừ: Chịu! “Anh Kiều” mới phán: Xét theo lời thơ thì Thúy kiều mắc bệnh kiết lỵ nặng, vì Dùng dằng khi bước chân ra/Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần; có lúc lại Khi tựa gối khi cúi đầu/Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày... Cả hầm chỉ huy lại được mẻ cười nôn ruột.
Lẩy Kiều
Thể thơ lục bát dễ nhớ, dễ phỏng theo của Truyện Kiều luôn là tiền đề cho các cuộc lẩy Kiều vui, hóm. Đó thực sự là một loại hình văn nghệ truyền khẩu mọi nơi, mọi lúc ở Trường Sơn, na ná loại thơ Bút Tre trào lộng cũng thời gian này xuất hiện nhiều ở miền Bắc.
Nguyễn Sắm - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe 102, trong mùa khô 1967 - 1968 đã lập một kỳ tích: trong 1 tháng vượt Đường 9 đưa vào các binh trạm phía Nam hơn 1 vạn tấn hàng. Để tả việc lúc nào anh cũng vội vã, một chiến sĩ “Kiều” liền lẩy một câu: Khẩn trương xuất phát kịp giờ/Xe anh Sắm vội chẳng chờ đợi ai. Từ đó, anh có cái tên mới: Sắm vội. Các đơn vị xe qua lại trọng điểm Văng Mu đều biết trung úy Khương được mệnh danh là “bác sĩ ôtô”. Không quản nguy hiểm, anh luôn bám đường để nhặt nhạnh, thu về từng chi tiết còn dùng được của xe bị cháy, bị trúng bom để làm phụ tùng thay thế, có thời kỳ trong vòng nửa tháng anh đã dựng mới được 3 - 4 xe. Cánh lái xe “Kiều” có dịp biểu dương anh: Chân đèo, dưới vực lân la/Âm thầm góp nhặt được và bốn xe (“và” hiểu là “3”). Khi đã có chiếc xe ngon lành ra trận thì: Nghe tin Khương nở mặt mày/Mừng nào còn quá mừng này nữa chăng...
Có một tình huống đến với một anh “xế” nọ. Đêm khuya, gặp một cô gái xin đi nhờ, xe đang chở đạn dược, vả lại không biết “lai lịch” cô kia ra sao, cuối cùng cũng cho cô đi nhờ, sau đơn vị biết đã kiểm điểm anh. Cánh “Kiều” liền có bài thơ: Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không? Tiếng tơ động tấm lòng vàng/Nghe lời âu yếm dạ càng xiêu xiêu/Xưa nay kỷ luật đã nhiều/Nhưng thôi, chậc, cũng cứ liều đêm nay...
Năm 1967, mùa mưa, không tiếp vận được, nhiều binh trạm bị thiếu gạo, gọi là “binh trạm đói”. Lúc đó, nhạc sĩ quân đội Vũ Trọng Hối vào Trường Sơn, đang ở với một tiểu đoàn giao liên, sau bữa cơm trưa, ông gõ thìa vào bát sắt, vui vẻ lẩy một câu Kiều: Biết bây giờ là bao giờ/Đã đi rửa bát còn ngờ chưa ăn.
Bói Kiều
Từ lâu, việc bói Kiều khá phổ biến trong dân gian, nhiều khi mang màu sắc mê tín, còn với các chiến sĩ Trường Sơn, đây hoàn toàn là hình thức giải trí, thư giãn đầu óc trước khi đi làm nhiệm vụ. Họ cũng cầm quyển Kiều áp trước ngực và lầm rầm trong miệng: Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Gác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều; Hôm nay ngày, tháng, năm, tín chủ tên... xin một quẻ. Thường thì các cô thanh niên xung phong hay nữ thông tin, quân y chưa chồng bói cầu duyên: ra quân sẽ có một tấm chồng như ý; anh pháo thủ cao xạ bói cầu tài: xin bắn rơi chiếc máy bay thứ... trên đường Trường Sơn; anh lái xe bói cầu phúc cho đường thông, xe phóng vo vo; anh tiếp phẩm hậu cần bói cầu lộc, vào bản dân mua được nhiều rau, đậu về cải thiện cho đơn vị; anh lính công binh thì bói cầu may: hôm nay mở đường không dính bom, mìn... Kể lại chuyện này nhân cuốn hồi ký của mình ra mắt bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, “anh Kiều” Nguyễn An nói rằng, tất nhiên bói Kiều làm gì gặp những câu hoàn toàn “trúng phóc” với đủ loại tín chủ, đủ loại thỉnh nguyện, mà hầu hết là những câu gần trúng, rồi suy rộng, vận vào hoàn cảnh mình coi là có “linh nghiệm”.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã có nhận định về phong trào văn hóa mới thịnh hành nhiều năm trong đơn vị của ông, quân số có thời điểm đông tới hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ: “Nhóm phổ biến truyện Kiều trên đỉnh Trường Sơn vào những năm tháng không quên đó, thực chất đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa, không quy mô đồ sộ nhưng sâu rộng, không ồn ào nhưng sâu lắng, nhẹ nhàng, hấp dẫn, lay động lòng người, động viên khí phách quyết chiến quyết thắng vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...” (trích Những cảm nghĩ về cuốn sách của Thiếu tướng Nguyễn An).
Phạm Quang Đẩu