
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại Kiev ngày 20/2/2025. Ảnh: stalbertgazette
Sự kiện ban đầu được lên kế hoạch có phần phát biểu trước truyền thông của Tổng thống Zelensky và đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg, nhưng phía Mỹ đã yêu cầu thay đổi vào phút chót, chỉ giữ lại một buổi chụp ảnh ngắn mà không có phát biểu hay trả lời câu hỏi từ báo giới.
Phát ngôn viên Tổng thống Ukraine ngày 20/2 theo giờ địa phương, ông Serhii Nikiforov, xác nhận việc hủy họp báo là yêu cầu từ phía Mỹ.
Trên mạng xã hội X, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã có cuộc trao đổi "chi tiết và hiệu quả" với ông Kellogg về tình hình tù binh chiến tranh, đảm bảo an ninh trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng và diễn biến chiến trường. Tuy nhiên, phía Mỹ không tiết lộ nhiều thông tin về cuộc gặp.
Chuyến đi của ông Kellogg tới Kiev diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky ngày càng leo thang, làm dấy lên hoài nghi về tương lai hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.
Tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 20/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết "một số phát ngôn từ Kiev" cùng với "những lời lẽ xúc phạm Tổng thống Mỹ Donald Trump" là không thể chấp nhận được.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi ôn Zelensky cho rằng ông Trump sống trong "bong bóng thông tin sai lệch" vì trước đó, ông Trump đã quy trách nhiệm cho Ukraine về cuộc chiến. Đáp lại, ông Trump đã bày tỏ sự tức giận với phía Ukraine.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump đổ lỗi cho Nga hay Ukraine về cuộc xung đột mà Moskva phát động từ tháng 2/2022, ông Waltz né tránh trả lời trực tiếp. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng Trump "rất bực bội" với lãnh đạo Ukraine.
"Mục tiêu của Tổng thống Trump là kết thúc cuộc chiến này càng nhanh càng tốt. Hiện tại cả hai bên vẫn đang giao tranh, giống như chiến tranh thời Thế chiến thứ nhất".
Ông Waltz cũng khẳng định ông Trump là người phù hợp nhất để đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù có nhiều lo ngại rằng Washington sẽ ép Ukraine nhượng bộ sau khi khởi động các cuộc đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của châu Âu hay Kiev.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố cuộc chiến đang đi đến hồi kết và không thể dừng chiến tranh nếu không đối thoại với Nga.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã từng đề xuất một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, theo đó Washington sẽ có quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất này do thỏa thuận không bao gồm các đảm bảo an ninh.
Lập trường mới của Tổng thống Trump về cuộc xung đột đã khiến các lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Anh, tỏ ra lo ngại.
Ngoại trưởng Anh David Lammy tuyên bố London sẽ đóng vai trò "cầu nối" giữa Mỹ và châu Âu trong các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, ông hoài nghi liệu Nga có thực sự muốn hòa bình hay không. "Hòa bình có thể đạt được ngay lập tức nếu Nga rút khỏi Ukraine vào ngày mai", ông tuyên bố.
Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người dự kiến gặp ông Trump tại Washington vào ngày 24/2 tới, khẳng định ông sẽ cảnh báo ông Trump không nên tỏ ra "yếu đuối" trước ông Putin. Trước đó, ông Macron cũng đã trao đổi với Tổng thống Ukraine để thảo luận về các nỗ lực ngoại giao của châu Âu trong bối cảnh Mỹ thay đổi lập trường.
Trong khi đó, giới chức Nga đang theo dõi chặt chẽ diễn biến từ Washington và lên tiếng ủng hộ lập trường của Tổng thống Trump, cho rằng cách tiếp cận của ông có thể có lợi cho Moskva.
Cuộc họp báo bị hủy, những phát ngôn gay gắt từ cả hai phía và nỗ lực đàm phán song phương Mỹ với Nga đang đẩy Ukraine vào thế khó khăn, khi mà cuộc chiến bước sang năm thứ ba và sự ủng hộ từ phương Tây không còn chắc chắn như trước.