Bộ đội đặc công Hải quân Việt Nam gồm những chiến sĩ được tuyển lựa nghiêm ngặt nhất, huấn luyện với những khoa mục khắt khe nhất.
Ngàn người chọn một
Với đặc thù của đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, đòi hỏi quân nhân phải có sức khỏe tốt nên chiến sĩ trong các đơn vị đặc công nước không được tuyển trực tiếp từ địa phương mà phải tuyển chọn từ những tân binh ưu tú nhất của các đơn vị quân đội. Sau mỗi mùa tuyển quân, kết thúc quá trình huấn luyện tân binh, các cán bộ Đoàn đặc công lại đến các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân để tuyển người vào đặc công nước.
Ngoài những tiêu chí như sức khỏe tốt, ứng viên phải trải qua các bước kiểm tra đặc biệt, trong đó có việc ngồi lên chiếc ghế “xoay tít mù” trong vòng 3 phút. Khi ghế dừng lại, ứng viên phải đi qua một đoạn đường kẻ vạch rộng 80cm, dài 2m mà không được dẫm lên vạch, đến chiếc bảng rồi viết rõ ràng một chữ nào đó theo yêu cầu. Rất nhiều người không vượt qua được bài kiểm tra mở màn này. Yêu cầu khắt khe nên từ vài nghìn chiến sĩ ở các đơn vị thường cũng chỉ chọn được khoảng 50 tân binh cho huấn luyện đặc công nước.
Từ số này, đơn vị lại tiếp tục chọn vài người xuất sắc nhất để đưa vào đội người nhái sau khi họ vượt qua được bài kiểm tra “ép nhái” trong một chiếc máy hình ô-van khổng lồ diện tích khoảng 10m2. Sau khi đưa khoảng 5-6 người vào trong chiếc máy đó, giám khảo sẽ vận hành, tăng giảm áp suất trong máy. Áp lực tạo nên khí nén cực lớn sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể chiến sĩ.
Sở dĩ phải thực hiện bài luyện tập “ép nhái” vì khi người nhái lặn xuống nước ở độ sâu vài chục mét, họ phải chịu áp lực cực lớn tác động lên toàn cơ thể. Nếu người chiến sĩ không có sức khỏe tốt và khả năng chịu được áp lực khi lặn xuống độ sâu đó có thể xảy ra tai nạn chết người. Sau quá trình “ép nhái”, những người có sức khỏe tốt nhất được tuyển vào đơn vị người nhái, những người khác được biên chế vào đơn vị đặc công nước và đội đặc nhiệm chống khủng bố.
Huấn luyện khắt khe
Đặc công nước có thể bơi liên tục hàng chục km, ngâm mình trên mặt nước cả ngày. Đặc công người nhái, "xuất quỷ nhập thần", lặn sâu vài chục mét, bất ngờ tấn công các mục tiêu khó nhất. Đó là những nét phác thảo sơ bộ về những người lính đặc công Hải quân.
Một trong những khoa mục huấn luyện rất bình thường của các chiến sĩ đặc công nước nhưng cũng có thể gây ngưỡng mộ lớn đối với nhiều người ngoại đạo là giữa tiết trời lạnh 120C, các chiến sĩ chỉ mặc trên mình chiếc quần đùi, trầm mình xuống nước bơi một mạch 10 km ra phía cửa biển hay vùi mình trong cát hàng giờ liền giữa trời nắng 400C.
Huấn luyện đặc công hải quân còn bao gồm rèn thể lực để có thể mang vác vũ khí, khí tài nặng di chuyển bí mật. Rèn luyện võ thuật là điều không thể thiếu đối với người lính đặc công. Kỹ thuật hoá trang yêu cầu người lính có thể ém quân, nằm giấu mình trên cát, dưới bờ sông, kênh rạch cả ngày, ngay trước mặt nhiều người mà không bị phát hiện. Đó còn là các chiến thuật đột nhập, vượt qua các chốt canh phòng của đối phương hay vượt các chướng ngại vật như dây thép gai, bãi mìn, dây điện...
Khoa mục khắc nghiệt nhất trong chương trình huấn luyện đặc công Hải quân là “thả trôi”. “Huấn luyện thả trôi là bài tập bắt buộc nhằm luyện cho bộ đội đặc công khả năng chịu đựng, có thể sống sót trên biển trong những tình huống đặc biệt”. Khi huấn luyện thả trôi, các chiến sĩ phải mang theo những vũ khí, trang bị cần thiết như khi chiến đấu gồm dao đa dụng, súng, khối nổ, thức ăn, nước uống rồi dầm mình dưới biển để cho trôi dạt. Yêu cầu bắt buộc là mỗi chiến sĩ phải thả trôi 25 giờ liên tục, nhưng có nhiều người vượt chỉ tiêu, thả trôi được tới 38 giờ. Vì phải ngâm mình trong nước liên tục nên thức ăn của lính đặc công Hải quân cũng rất đặc biệt (gồm những tuýp nhỏ bằng hộp kem đánh răng, có đủ các vị như thịt bò, thịt lợn, gà, bảo đảm mỗi tuýp cung cấp 2.500 calo).
Đối với đơn vị người nhái, ngoài các bài tập như các chiến sĩ ở Đội đặc công nước, họ được huấn luyện thành thục kỹ thuật lặn sâu, ngụy trang dưới nước, tránh các thiết bị dò tìm người nhái… Người nhái ngày nay được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại hơn những người nhái ngày xưa. Khi lặn cũng không hề sủi tăm, không cần chân vịt…
Trong chương trình huấn luyện còn có khoa mục đối kháng. Giữa 2 đơn vị quy ước với nhau, một bên “đánh” còn một bên “giữ” vị trí. Bên “đánh” là đặc công hải quân báo trước cho bên “giữ” nội dung: “Trong khoảng thời gian từ 16 - 22h, ngày X sẽ “đánh” mục tiêu là cầu tàu A”. Lập tức bên “giữ” tổ chức lực lượng, bố phòng chặt chẽ bằng cách rải lưới khắp cầu tàu, cho canô chạy liên tục, cứ 3m lại có một người canh gác cầu tàu. Tuy nhiên, chưa hết giờ quy định, bên “đánh” điện báo: Đã gắn “mìn” (được quy định là một miếng bìa màu, dán vào cầu tàu A).
Chính nhờ được huấn luyện kỹ càng, khắt khe, đặc công nước có thể vượt qua được những hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt nhất để tấn công mục tiêu. Những người lính đặc công Hải quân hôm nay kế thừa truyền thống quý báu của cha anh, không ngừng huấn luyện, làm chủ phương tiện kỹ thuật, xứng đáng là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam.