Hà Nội

Đã xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh thế hệ 3

17-11-2015 09:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ Y tế, kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2015, Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc diễn ra trên khắp cả nước. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

Thông tin trên được Bộ Y tế công bố tại buổi họp báo sáng ngày 6/11 tại Hà Nội.

Gần 90% kháng sinh được bán không cần bác sĩ kê đơn

Ở nước ta, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động, làm cho chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng đó là do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sĩ; người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định, các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc sử dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới. Bên cạnh đó, là do việc sử dụng kháng sinh tràn lan, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng, chống dịch bệnh...

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Trong tổng số 2953 nhà thuốc được điều tra: có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc.

 

Hiện nay việc mua kháng sinh và sử dụng kháng sinh đang rất dễ dãi
Ảnh minh hoạ

Hiện nay việc mua kháng sinh và sử dụng kháng sinh đang rất dễ dãi

Ảnh minh hoạ

Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Mua kháng sinh để điều trị ho 31,6% (thành thị) và sốt 21,7% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29.1%), cephalexin (12.2%) và azithromycin (7.3%). Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

“Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nhưng nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, làm tăng độ nặng của bệnh, thời gian nằm viện, chi phí chăm sóc y tế, nguy cơ tử vong cao”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Việt Nam ghi nhận một số loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh

Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về những vấn đề liên quan đến kháng thuốc, ThS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra đánh giá việc sử dụng thuốc trong bệnh viện cho thấy, chi phí cho thuốc chiếm 48% tổng chi phí khám chữa bệnh, trong đó chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm 17%.

Theo ông Cao Hưng Thái, số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy: năm 2009, 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.

Đứng đầu nguy cơ kháng thuốc là lĩnh vực phòng, chống và điều trị lao. Các nghiên cứu của WHO cho thấy ở Việt Nam tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số người bệnh lao mới (khoảng 4.800 trường hợp) và chiếm 19% số người bệnh lao điều trị lại (khoảng 3.400 người bệnh). Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với người bệnh lao không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp. Đáng báo động là ở Việt Nam đã xuất hiện nhóm vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, nhất là các vi khuẩn gram âm. Tại Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà một số loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc và chi phí điều trị
Lạm dụng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc và chi phí điều trị

 

TS Socorro Escalante, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, tình trạng các vi khuẩn, virus , nấm kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu. Ngay cả vi khuẩn gây bệnh thông thường như E.coli gây bệnh tiêu chảy cũng bước đầu có cơ chế phát triển bức tạp, bắt đầu kháng kháng sinh, cơ chế lây lan phức tạp hơn. Một vấn đề cân quan tâm là chúng không chỉ lây lan trong bệnh viện mà còn từ thực thể này sang thực thể khác.

Báo cáo của tổ chức này về tình hình giám sát kháng thuốc năm 2014 cho thấy có 9 loại vi khuẩn có dấu hiệu kháng thuốc. Trong đó với khuẩn E.coli, các kháng sinh thế hệ 3 đang được bán trên thị trường cũng đã có dấu hiệu không hiệu quả. Có loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi các kháng sinh thế hệ 3 được coi là phương án cuối cùng thì nay đã không còn tác dụng, thường xảy ra trong môi trường bệnh viện. Một số loại kháng sinh điều trị trong nhiễm khuẩn hô hấp cũng bắt đầu có dấu hiệu không còn hiệu quả. Penicillin là loại kháng sinh rẻ tiền, sẵn có đề điều trị bệnh hô hấp thì nay đã không còn hiệu quả.

Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc năm nay (từ ngày 16 đến 22-11), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước, tổ chức, cá nhân thực hiện: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.

Tuần lễ truyền thông được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường; đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người; đặc biệt là tuyên truyền, vận động lấy được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Trong Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2015 sẽ diễn ra nhiều sự kiện như tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống kháng thuốc; tổ chức hội nghị, hội thảo, mít tinh về phòng, chống kháng thuốc ở tất cả các địa phương, các cơ sở y tế; phát động ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, trong đó 90% cam kết được thực hiện tại trang fanpage: “Tuần lễ kháng thuốc kháng sinh 2015-AMR Week 2015 Viet Nam” và 10% chữ ký trực tiếp của các cán bộ,nhân viên y tế và người dân.

 

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn