Liên quan đến vụ việc 134 người ngộ độc thực phẩm sau tiệc cưới ở Lâm Đồng, sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định tất cả 5 món ăn (tôm hấp, đùi gà chiên, xôi ba màu, thịt heo xào lăn, lẩu, tôm, cá viên) trong buổi tiệc khiến 134 người ngộ độc ở Lâm Đồng đều nhiễm vi khuẩn E.coli và Staphylococcus aureus. Trong đó, độc tố tụ cầu khuẩn nghi là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm.
Từ kết quả xét nghiệm này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng tiếp tục làm việc với cơ sở nấu ăn Hoàng Vy (165/12, Tân Vượng, phường Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và sẽ đề xuất xử lý theo quy định tại nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính Phủ về việc "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm".
Nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc khiến 134 người nhập viện là do độc tố vi sinh.
Trước đó, từ tối 12/5 đến chiều 13/5, 134 người xuất hiện các triệu chứng nôn ói, sốt và tiêu chảy liên tục… phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiệc cưới ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, có 93 bệnh nhân dưới 16 tuổi, 27 bệnh nhân dưới một tuổi (một số trẻ em mắc do người đi dự tiệc mang về cho ăn). Qua thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, nhận định ban đầu, các bệnh nhân bị ngộ độc có thể do ăn thực phẩm từ tiệc cưới, do cơ sở nấu ăn Hoàng Vy,(165/12, Tân Vượng, Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cung cấp.
Ngay sau khi nhận thông tin, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc. Trong quá trình điều tra, đơn vị đã lấy năm mẫu thức ăn tại nơi tổ chức tiệc cưới (gồm đùi gà chiên, xôi ba màu, thịt heo xào lăn, lẩu (tôm, cá viên), tôm hấp); hai mẫu bệnh phẩm và một mẫu phẩm màu để tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và định danh phẩm màu.
Ngày 17/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở nấu ăn Hoàng Vy số tiền 8 triệu đồng vì hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Bên cạnh đó, Chi cục đã yêu cầu cơ sở này tạm ngưng hoạt động.
Tùy chủng loại E.coli bị nhiễm và tùy thể trạng mỗi người mà bị ngộ độc nặng nhẹ khác nhau như nhóm EPEC (Enteropathogenic E.coli): Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em dưới hai tuổi. Còn nhóm EHEC (Enterohemorrhagic E.coli): Nguyên nhân gây xuất huyết đại tràng và làm tổn thương mao mạch, gây hiện tượng sưng phù rất nguy hiểm đến tính mạng (do biến chứng). Đây là chủng đã gây ra những vụ ngộ độc lớn trên thế giới trong những năm gần đây...
Thời gian ủ bệnh 2-48 giờ (sau khi ăn phải đồ ăn nhiễm E.coli). Người ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, ít nôn mửa, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, không sốt hoặc sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ. Bệnh kéo dài 1-3 ngày thì khỏi. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, người mệt mỏi, chân tay co quắp, bệnh lâu khỏi.