Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Sau khi nhận thông tin thôn Phúc Thanh (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất hiện hàng loạt trường hợp người dân địa phương bị viêm da dị ứng, nghi do côn trùng đốt. Chúng tôi đã tiến hành bắt côn trùng đồng thời gửi mẫu ra Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương để khẳng định loài. Bước đầu xác định loài côn trùng này bọ chét đốt".
Cũng theo bác sĩ Thanh đây là loài bọ chét chuyên đốt và hút máu súc vật ở chó, mèo.... Môi trường sống tập trung ở nơi mật độ súc vật đông. Khi nguồn thức ăn thiếu, chúng sẽ chuyển sang đốt và hút máu người.
Bọ chét thường sống ở ngách tường, giường tủ, góc nhà, thường đốt người vào buổi tối và không ưa ánh sáng… Khi người bị bọ chét đốt sẽ gây ra ngứa tại chỗ, gãi nhiều có thể gây ra bệnh viêm da bội nhiễm hoặc có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như sốt phát ban, dịch hạch…
Trước đó, vợ chồng anh Đồng Xuân Quyền (thôn Phúc Thanh) và 5 thành viên trong nhà bị một loại côn trùng đốt gây sẩn ngứa, gãi xây xát da. Ban đầu chỉ vùng da hở ở tay, chân, sau đó lan toàn cơ thể. Gia đình anh Quyền đi khám và điều trị nhiều nơi không khỏi. Có nhiều người dân trên địa bàn thôn Phúc Thanh cũng có biểu hiện tương tự như anh Quyền.
CDC Hà Tĩnh và Khoa chuyên môn trực tiếp xuống địa phương giám sát dịch, thực hiện bắt côn trùng, xác định loại và triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật để tiêu diệt côn trùng, xử lý nguồn bệnh.
Theo điều tra sơ bộ, có 46 hộ gia đình với 126 người có biểu hiện như sẩn huyết thanh chính giữa có vết đốt, vết xước da, sẹo thâm da do cào gãi, chà xát tập trung nhiều ở vùng da hở ở cẳng tay, cẳng chân, xung quanh cạp quần, có nhiều người dân xuất hiện toàn cơ thể, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp pháp phòng chống bọ chét đốt trên người và gia súc. Khi có các triệu chứng sẩn ngứa do côn trùng đốt cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng chống dịch bệnh, cần tiêu diệt bọ chét bằng hoá chất, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân ngăn ngừa bọ chét đốt. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật để địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bọ chét hút máu trên người như: phun hoá chất tiêu diệt bọ chét, vệ sinh môi trường. Người dân địa phương cũng đã tích cực vào cuộc vệ sinh nhà cửa, sân vườn, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt côn trùng…