Theo khai thác thông tin từ bệnh nhân, bệnh nhân có thói quen kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Tuy nhiên 1 năm trở lại đây bệnh nhân chưa đi khám sức khỏe lần nào.
Trước khi vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, ăn không ngon, cảm giác gai người vào buổi chiều muộn. Tiếp đó bệnh nhân có thêm các biểu hiện như đau đầu, chướng bụng, mắt và da chuyển thành màu vàng nhanh chóng.
"Cảm giác khi nhìn vào gương thấy mắt và da chuyển màu vàng tăng nhanh theo từng giờ, kèm theo những biểu hiện đau đầu, chướng bụng… nên tôi mới vội vàng đi khám", nam bệnh nhân cho hay.
Nam bệnh nhân 54 tuổi mắc viêm gan B. Ảnh: Quỳnh Mai.
Dự phòng viêm gan B là rất cần thiết
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy – Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, BV Đại Học Y Hà Nội cho biết, viên gan virus B là 1 bệnh do virus viêm gan B gây ra. Bệnh viêm gan B được đánh giá là 1 trong những vấn đề sức khỏe của toàn cầu, vì tỷ lệ nhiễm viêm gan B trên thế giới khá cao.
Theo báo cáo gần nhất của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2020, trên thế giới có khoảng 350 triệu người mắc viêm gan B. Trong đó, tỷ lệ mắc mới mỗi năm là khoảng 1,5 triệu người, có khoảng 800.000 trường hợp tử vong mỗi năm do bệnh lý về gan gây ra.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, tại Việt Nam, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan. Ung thư gan là 1 trong 2 căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nước ta.
"Viên gan B thường không gây triệu chứng, chính vì vậy bệnh thường không được phát hiện ở giai đoạn sớm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường khá đa dạng, một số trường hợp bệnh nặng chỉ biểu hiện không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, đau tức vùng bụng dưới sườn bên phải. Trường hợp khác đi tiểu thấy nước tiểu sẫm màu, thấy tình trạng vàng mắt, vàng da tăng dần", bác sĩ Nguyễn Quang Huy thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm viêm B là do virus. Có 3 đường lây chính bao gồm:
- Mẹ lây cho con trong quá trình mang thai và sinh nở;
- Lây qua đường máu;
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Ở Việt Nam đường lây chủ yếu là từ mẹ sang con. "Khi trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở, phần lớn trong khoảng 10-20 năm đầu đời sẽ không có biểu hiện của bệnh, không gây ảnh hưởng đến gan. Sau đó sẽ có những đợt gây tổn thương gan, lâu dần dẫn tới tình trạng xơ hóa gan, xơ gan và nhiều biến chứng khác", bác sĩ Nguyễn Quang Huy thông tin.
Theo chuyên gia, để điều trị viêm gan B, hiện có các thuốc ức chế sự phát triển của virus. Khi điều trị bằng thuốc này sẽ hạn chế được những biến chứng do bệnh gây ra, đặc biệt là xơ gan và ung thư gan.
Bác sĩ Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, việc dự phòng viêm gan B vô cùng quan trọng. Biện pháp phòng bệnh hàng đầu được Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo đó là tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, căn cứ vào đường lây để có các biện pháp dự phòng.
"Với trường hợp mẹ mang thai, cần đi khám sớm để xác định người mẹ có mắc viêm gan B hay không. Từ đó xác định được bệnh sớm nhất, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp để dự phòng cho trẻ, trẻ sinh ra cần được tiêm vaccine viêm gan B. Các trường hợp khác cũng cần chủ động đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm giúp dự phòng những biến chứng của viêm gan B. Ngoài ra, cũng có những biện pháp để tránh việc lây nhiễm bệnh cho người khác", bác sĩ Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.