Da tay- Kẻ “tố giác” tuổi thật thà nhất

21-06-2018 14:00 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Thực tế, hầu hết chúng ta đều chú trọng chăm chút cho làn da trên gương mặt mà vô tình bỏ quên làn da tay rồi giật mình nhận ra sự khác biệt quá lớn.

Tuy nhiên, bạn có thể tránh được điều này nếu không coi chăm sóc da tay là việc nhỏ.

Vì sao phải chăm sóc da tay?

Mặc dù da tay chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích da toàn cơ thể nhưng lại là “kẻ tố giác” tuổi thật thà nhất. Theo TS. Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- Bệnh viện Da liễu Trung ương, dù bạn có trang điểm kỹ càng và ăn diện trẻ trung ra sao thì người xung quanh vẫn có thể đoán được tuổi thật của bạn bằng cách nhìn vào đôi bàn tay. Do vậy, để không bị “lộ” tuổi thật cũng như không để bệnh da ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn cần chăm sóc da tay thường xuyên và đúng cách.

Các nguyên nhân gây ra vấn đề trên da tay

Có nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề trên da tay như thô ráp, khô, kém đàn hồi… Trước tiên là do bàn tay thường xuyên phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng thì vấn đề lão hóa da tay càng diễn ra nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, bàn tay còn phải tiếp xúc với một số hóa chất trong quá trình làm việc nên dễ bị viêm da tiếp xúc dị ứng.  Ví dụ phụ nữ nội trợ bị viêm da tiếp xúc (VDTX) do chất tẩy rửa, thợ xây bị VDTX do xi măng, thợ mộc bị VDTX do mùn cưa/sơn… Ngoài ra, một số bệnh nhiễm khuẩn da thông thường có thể gặp ở bàn tay như ghẻ, nấm bàn tay, viêm quanh móng, nấm móng, hạt cơm…

Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ các vitamin cũng có thể gây các biểu hiện bệnh da trên tay như nứt nẻ, bong tróc da tay… Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng và suy giảm miễn dịch cũng có thể gây ra các bệnh lý có biểu hiện ở da tay như viêm da cơ địa, vảy nến bàn tay, dày sừng lòng bàn tay…

Da tay- Kẻ “tố giác” tuổi thật thà nhất

Biện pháp chăm sóc da tay hiệu quả

TS. Đỗ Thị Thu Hiền cho biết, chăm sóc da tay không khó nhưng cần chú ý:

Hạn chế tiếp xúc với hóa chất: Đeo găng tay khi phải làm việc nhà như rửa bát hay lau dọn sẽ giúp bạn tránh khỏi sự ăn mòn của hóa chất có trong chất tẩy rửa này và giữ tay luôn khô ráo, duy trì được độ ẩm trên da. Bên cạnh đó, đối với việc làm vườn hay trong thời tiết lạnh thì cũng cần đeo găng tay để tránh trầy  xước và giữ ấm tay.

Rửa tay đúng cách: Tiếp xúc nhiều với xà phòng sẽ làm đôi tay mất đi độ ẩm vốn có, dần dà sẽ trở nên khô ráp và xuất hiện các hiện tượng bong tróc. Việc rửa tay bằng nước quá nóng sẽ làm mất lớp màn bảo vệ tự nhiên của da, gây khô da.

Da tay- Kẻ “tố giác” tuổi thật thà nhấtDùng nước ở nhiệt độ thích hợp để bảo vệ da tay.

Giữ ẩm cho da tay: Để da tay mịn màng bạn nên cung cấp đủ nước bằng cách uống nhiều nước trong ngày và sử dụng kem dưỡng da tay. Nếu không có điều kiện mua kem dưỡng đặc chế cho bàn tay thì có thể dùng chung kem hoặc dầu dưỡng thể ít nhất hai lần mỗi ngày.Các sản phẩm chứa vitamin B5 và axit hyaluron có tác dụng giúp thúc đẩy quá trình sửa chữa mô của da rất hiệu quả.

Sử dụng kem chống nắng: Ánh nắng mặt trời làm vỡ collagen trong da tay, khiến chúng bị nhăn lại và tạo ra các đốm đen. Do vậy, để bảo vệ da bạn nên sử dụng kem chống nắng cho da tay hai giờ mỗi lần.

Ăn nhiều rau củ và trái cây: Tốt nhất là các loại trái cây có múi với tác dụng làm trắng tự nhiên để giữ da tránh khỏi việc tăng sắc tố.

Khi da tay bị bệnh: Đối với người có bệnh ở bàn tay thì càng cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất khi đang điều trị, cần vệ sinh da tay sạch sẽ, lau khô sau khi rửa tay (không nên dùng máy sấy điện), bôi kem dưỡng ẩm khi cần thiết và bổ sung các vitamin tốt cho da như vitamin A, C, E…


Xuân Khánh
Ý kiến của bạn