Đa số trẻ em Việt Nam trong độ tuổi học đường ít vận động thể lực

05-07-2019 13:00 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Đây là một trong những nội dung nằm trong nghiên cứu độc lập của Viện Dinh Dưỡng vừa công bố. Nghiên cứu này nhằm đánh giá chính xác thực trạng dinh dưỡng của học sinh ở các độ tuổi khác nhau, từ đó tìm ra những nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề đề liên quan như thừa cân béo phì (TCBP) và suy dinh dưỡng.

Tỷ lệ thừa cân béo phì giảm dần theo độ tuổi của học sinh

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Viện Dinh dưỡng thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu nhằm thấy được bức tranh và xu hướng về tình trạng dinh dưỡng của học sinh, từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp cho giai đoạn tới nhằm cải thiện yếu tố nguy cơ và tình trạng dinh dưỡng cho học sinh; nâng cao tầm vóc, trí tuệ và sức khỏe người Việt Nam, đáp ứng nguồn lực chất lượng cao trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.”

Kết quả nghiên cứu các nhóm chuyên gia cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì giảm dần theo độ tuổi của học sinh và có khác biệt lớn giữa các khu vực.

Nhóm TCBP có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất đạm trong khi đó nhóm không TCBP lại có xu hướng tiêu thụ các loại đồ uống có đường sản xuất công nghiệp và các thực phẩm có đường.

Học sinh TCBP có xu hướng sử dụng tất cả các nhóm lương thực, thực phẩm ở mức cao hơn so với nhóm học sinh không TCBP;

Điều đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy nhóm không TCBP lại có xu hướng tiêu thụ các loại đồ uống có đường sản xuất công nghiệp và các thực phẩm có đường nhiều hơn so với nhóm TCBP.

Ngược lại, nhóm TCBP lại có tần suất tiêu thụ các loại đồ uống đường phố cao hơn so với nhóm không TCBP. Theo nghiên cứu, tần suất sử dụng đồ uống có đường trên đường phố là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh TCBP của học sinh trung học phổ thông lên 1.4 lần.

Đa số trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi học đường lười vận động (ảnh minh họa)

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thúy Nga, Chuyên gia nghiên cứu Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị: “Cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thông và phòng chống TCBP ở khu vực thành thị, tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và các ban ngành cần tạo điều kiện cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ.”

Được biết, nghiên cứu được tiến hành trong 12 tháng trên 5.028 học sinh từ 7 đến 17 tuổi tại 75 trường học tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An và tỉnh Sóc Trăng.

Đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường ít có thói quen vận động thể lực

Theo kết quả nghiên cứu, nhìn chung đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường đều có thói quen ít hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực kém còn thể hiện qua thời  gian tĩnh trong ngày với 84,6% và 85,1% trẻ có thời gian tĩnh trên 2 giờ trong một ngày, bao gồm cả ngày thường và ngày nghỉ. Cũng theo nghiên cứu, thời gian ngồi màn hình, bao gồm cả màn hình máy tính, ti vi, điện thoại,... có xu hướng tăng dần theo cấp học và ngày nghỉ thì nhiều hơn ngày thường.  Khi phân tích kết quả nghiên cứu theo mô hình hồi quy logistic, nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan dương tính giữa thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ và nguy cơ TCBP ở học sinh tiểu học và THCS.

Khảo sát tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh cho thấy những loại thực phẩm được học sinh phổ thông ở cả thành thị và nông thôn sử dụng nhiều nhất là ngũ cốc-tinh bột, rau củ quả, chất đạm, chất béo, sữa và các sản phẩm từ sữa. Tiếp theo đó là các loại thực phẩm có chứa đường như bánh, kẹo, kem, … và nhóm cuối cùng là các loại đồ uống có đường khác nhau như đồ uống có đường trên đường phố (là những đồ uống được chế biến và phục vụ tại chỗ trên đường phố như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa,...), đồ uống sản xuất trên dây chuyền công nghiệp (như cacao, thức uống lúa mạch đóng chai, lon,…)  và các loại nước ngọt đóng chai, lon (như nước ngọt có ga, không có ga, các loại trà, cà phê đóng chai, nước tăng lực,..). Đáng lưu ý là tỷ lệ học sinh tiêu thụ các loại thực phẩm có đường (như bánh, kẹo, kem,…) trên ba lần một tuần khá cao (51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn).


H.N
Ý kiến của bạn
Tags: