Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, có 455/456 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,99%), Quốc hội chính thức thông qua Luật này.
Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chính lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, về các trường hợp lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (Điều 3) và thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị (Điều 25), trên cơ sở Điều 3 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa như trên và ý kiến ĐBQH về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu là 6 tháng khó khả thi, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 25 về thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 8), trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định quá chi tiết về cơ sở xác định, lập dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng tại các điều từ Điều 22 đến Điều 35 của dự thảo Luật; thay vào đó, bổ sung khoản 1 mới tại Điều 8 quy định chung về quy hoạch đô thị và nông thôn là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 41), trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa như sau:
1/ Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã trong trường hợp khu kinh tế, khu du lịch quốc gia có phạm vi quy hoạch nằm hoàn toàn trong địa giới hành chính của thành phố, thị xã vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 thì trường hợp này không lập quy hoạch chung khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, chỉ lập quy hoạch chung thành phố, thị xã.
2/ Lược bỏ nội dung về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với quy hoạch chung khu chức năng vì đối với quy hoạch chung khu chức năng chỉ có quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch chung khu du lịch quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
3/ Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
4/ Loại trừ nội dung về thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức được giao quản lý khu chức năng.
5/ Bổ sung nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND cấp tỉnh được giao quản lý khu chức năng đối với nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng để phù hợp với thực tiễn.
Về trường hợp cần lập riêng quy hoạch chung xã (Điều 29), trên cơ sơ ý kiến ĐBQH, khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rõ hơn việc không phải lập quy hoạch chung xã trừ một số trường hợp đặc biệt nhất định. Vì vậy, xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đô thị mới thuộc tỉnh không thuộc các trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật thì không phải lập quy hoạch chung xã; quy hoạch chung huyện phải bao hàm cả các nội dung định hướng phát triển xã…
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương và 59 điều, giảm 1 Chương và 6 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).