Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp này đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến và 09 đại biểu phát biểu tranh luận tại hội trường về dự án Luật. Trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho rằng việc ban hành luật sẽ góp phần phòng, chống tác hại của rượu, bia, bảo vệ sức khỏe của người dân và nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi khi đưa luật vào áp dụng trong cuộc sống, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật, cụ thể như sau: về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị cấm; về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; về kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc sử dụng rượu, bia; vấn đề thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy định về địa điểm không uống, không bán rượu, bia; điều kiện kinh doanh rượu; quy định về việc ghi nhãn trên bao bì rượu, bia; vấn đề phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu, bia nhập lậu…
Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu tại phiên họp đều cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên thảo luận đã có nhiều ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, thẳng thắn thể hiện mong muốn xây dựng đạo luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu, tranh luận, thảo luận của đại biểu cùng chung mục đích chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV.
Buổi chiều, từ 14 giờ đến 15 giờ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Quốc hội đã nghe: Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện.
Từ 15 giờ 30 chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và dự án Luật Thư viện.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước: Trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau: về phạm vi sửa đổi, bổ sung; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; thẩm quyền của kiểm toán nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh kiểm toán nhà nước; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước; quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; quy định một số nội dung để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…
Đối với dự án Luật Thư viện: Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thư viện nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời góp phần tạo khung pháp lý cho việc phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của nhân dân.
Thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật, như: chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện; phân loại thư viện và một số loại hình thư viện (gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện công cộng, Thư viện thuộc cơ sở giáo dục, Thư viện chuyên ngành, Thư viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp); vấn đề cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; quy định về liên thông thư viện; xây dựng thư viện số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện; xếp hạng thư viện…
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật trên.