Còn ít ngày nữa sẽ bước sang năm 2024, nhưng tại Hà Nội, nhiều tuyến đường, vỉa hè vẫn trong tình trạng bị đào đường, lát vỉa hè, ngổn ngang như "công trường".
Đáng nói, việc đào đường này lặp đi, lặp lại như một "điệp khúc" quen thuộc. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các tuyến phố trung tâm mà còn "bùng phát" ở ngõ phố trong các khu dân cư.
Trên địa bàn phường Ngọc Hà (quận Ba Đình), khu vực tập trung nhiều người lao động, sinh sống trong các ngõ ngách. Ghi nhận, trong một tháng trở lại đây, có nhiều công trình đào đường, chỉnh trang hạ tầng được thi công. Trong đó có công trình đến thời điểm này vẫn đang gấp rút hoàn thiện, có công trình vẫn dở dang.
Đơn cử tại khu vực Nhà sinh hoạt cộng đồng phường Ngọc Hà (ngõ 279, phố Đội Cấn) mặt đường bị đào bới, xuất hiện rãnh hào sâu dài mấy trăm mét tồn tại đã lâu nhưng đến nay mặt đường vẫn chưa được trả về nguyên trạng.
Hay tại Dự án thảm nhựa tại ngõ 173 (phường Ngọc Hà), trong quá trình thi công đã xảy ra một số vụ tai nạn khiến người đi đường bị xây xát nhẹ. Theo một người dân ở đây cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do cuối năm người dân đi lại nhiều trong khi mặt đường bị cào lên, nham nhở như thảm cày, khiến xe máy bị trượt bánh vào các ổ gà, rãnh lươn bị đổ.
Việc thi công diễn ra trong các khu dân cư vào dịp cuối năm - thời điểm nhu cầu đi lại, hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân gia tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Không ít người đã bày tỏ bức xúc và dấu hỏi, vì sao trong năm "ngày rộng tháng dài" không triển khai xây dựng mà lại cứ đúng dịp cuối năm mới làm?
Video tình trạng đào đường cuối năm tại phường Ngọc Hà.
Lý giải tình trạng đào đường nhiều vào mỗi dịp cuối năm, ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ tịch phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội phân trần: Đầu năm phường có văn bản gửi các tổ dân phố, cụm dân cư về vấn đề hạ tầng.
Trong đó có các nội dung như nâng cấp, cải tạo đường xá, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh… để lấy ý kiến người dân. Sau đó phường tập hợp ý kiến người dân gửi lên Ban Quản lý đầu tư xây dựng của quận (BQL) và cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát rồi báo cáo lên trên. UBND Quận sẽ trình ra HĐND cùng cấp để phê duyệt dự án.
Cũng theo ông Minh, đến tháng 6, tháng 7 hàng năm, HĐND quận tổ chức họp để thống nhất, sau đó quận giao cho BQL thực hiện việc điều tiết vốn, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện.
Nhìn chung, một dự án từ lúc có ý kiến đề xuất đến khi được phê duyệt trải qua nhiều công đoạn và phải đúng quy trình tốn thời gian. Thường đến tháng 10, chậm hơn là tháng 12 hàng năm, dự án mới được thi công.
Hiện nay, địa bàn Ngọc Hà vẫn còn một số dự án đang thi công và gấp rút hoàn thiện. Việc thi công trong thời điểm cuối năm cũng gây phiền hà, làm đảo lộn cuộc sống người dân, ông Minh nói thêm.
Theo ông Lê Ngọc Minh, các cơ quan chức năng nên sớm có quy trình phê duyệt, giải pháp phù hợp, tránh việc cứ đến cuối năm lại bùng phát vấn nạn đào đường. Đồng thời các BQL Dự án cũng như chủ công trình cần kiểm soát tiến độ thi công, tránh việc dàn trải, kéo dài thời gian gây nhiều hệ luỵ cho người dân.
Tin có thể bạn quan tâm: