Hà Nội

Dã quỳ cuối mùa...

01-01-2016 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã từng có thời, năm nào tôi cũng có vài bài về dã quỳ, thứ hoa hoang dại mọc đầy trên đất nước ta. Phải nhấn mạnh là trên nước ta có rất nhiều vùng có dã quỳ chứ chả phải mình Tây Nguyên.

Đã từng có thời, năm nào tôi cũng có vài bài về dã quỳ, thứ hoa hoang dại mọc đầy trên đất nước ta. Phải nhấn mạnh là trên nước ta có rất nhiều vùng có dã quỳ chứ chả phải mình Tây Nguyên. Đã từng được bạn bè gán cho cái danh là chuyên gia dã quỳ, thậm chí có ông còn sướng tớn lên gọi là “nhà dã quỳ học”. Và khiêm tốn mà nhận thì quả là tôi cũng có cái công là “vu” cho dã quỳ là của riêng Tây Nguyên, rồi cũng gán cho dã quỳ nhiều phẩm chất tương đồng với Tây Nguyên và người Tây Nguyên. Thế nhưng mấy năm gần đây thì... tịt. Hết chữ cũng có. Thì có chừng ấy chuyện, chừng ấy liên tưởng, chừng ấy phẩm chất, tán hết rồi thì còn gì nữa, chỉ có lặp mà thôi. Mà trong nghề viết, lặp chính là tự giết mình. Nhưng cũng còn lý do nữa, cái thời dã quỳ đang còn bạt ngàn Tây Nguyên, mở mắt ra là vàng rừng rực trong những cơn đói cũng... rực vàng mắt, giữa cái gió Tây Nguyên lồng lộn thổi bụi đỏ bay mịt mù khiến mọi vật cũng lừ lừ đỏ, cả lá cả hoa quỳ cũng nhuộm trĩu bụi, toàn bộ con người cũng luôn phủ đầy bụi, mọi ngả đường đều bụi, ngồi trong nhà cũng vẫn bụi, chả ai coi dã quỳ ra gì, thì chỉ có tôi ngồi cặm cụi... tán về nó, nhiều người hồi ấy đã bảo tôi dở hơi, thậm chí vài bác còn quy kết này nọ. Chứ không ư, thời cả nước là đại công trường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, khai hoang mở đất, phá rừng trồng sắn, lấp suối làm nông trường... lại có một gã ngồi dùng chữ... bênh dã quỳ, thấy trước sự nó sẽ mất đi, rồi dùng chữ níu kéo, thương vay khóc mướn... thì không bị thiên hạ lườm nguýt mới lạ. Giờ dã quỳ trở nên hiếm thật, lùi tít về phía núi xa, chui vào các con hẻm, nép vào các bờ tường bê tông, toen hoẻn trong các góc, các hốc, loi thoi ngơ ngác ở các con đường vắng... thì nó mới bắt đầu trở nên quý. Và cũng là phong trào phây búc phát triển nữa. Người ta đổ xô săn lùng dã quỳ, chụp ảnh với dã quỳ rồi tung lên phây, và phải nói thật, nhiều bức ảnh rất đẹp, nhiều bài viết về dã quỳ rất hay trên phây... thì thôi, mình im lặng.

Khi hoa dã quỳ bắt đầu khô thì lá lại xanh mướt. Một vòng dã quỳ như thế, mãi mãi là như thế, để nó trở thành một biểu trưng sống mãi của thượng đế gửi xuống cuộc đời này...

Nhưng mà rồi nào có im lặng được. Hôm kia, một tốp bạn, có cả mấy bác ở nước ngoài về, gọi điện, bảo ông kiếm chỗ nào đấy, dã quỳ đẹp, chúng tôi lên ngắm cái. Ối giời thấy chưa, thời nó bạt ngàn như cỏ thì chả ai để ý, giờ nó xác xơ ngơ ngác thì lại mới bắt đầu có những tour ngắm dã quỳ. Mà cái giống dã quỳ này, nó chỉ thực sự đẹp khi được kết thành từng thảm, vàng miên man trong nhấp nhô thảo nguyên, trong cái nắng mùa khô vàng rực, và đặc biệt, trong cái ào ạt như bão của cái hoang dã những cơn gió đặc trưng mùa lạnh Tây Nguyên.  Càng nắng càng gió thì dã quỳ càng đẹp, cứ lớp lớp nghiêng đều tăm tắp theo chiều gió ngút tầm mắt về phía chân trời, nơi những ngọn núi như đã chạm vào mây...

Đã bảo, nước ta nhiều nơi có dã quỳ, Tây Nguyên thì tỉnh nào cũng có, nhưng tôi chỉ thấy, dã quỳ ở Pleiku là đẹp nhất. Chả phải tại mình sống ở đấy mà thiên vị thế, mà nó có chứng có lý của nó. Dã quỳ ở đây bông to, chắc, vạm vỡ và tươi. Sở dĩ khen hoa to vạm vỡ là bởi nó sinh ra cùng mùa gió, bông nhỏ mảnh mai là chết ngay, ít nhất cũng xác xơ. Nhìn những bông, những thảm dã quỳ kiêu hãnh ngả nghiêng theo gió mà vẫn tươi tắn tròn đầy vừa thấy kỳ vĩ, vừa thấy rợn ngợp trước sự không lý giải được của những quy luật tương phản của tự nhiên. Bởi gió như thế, nắng như thế, đến người còn héo quắt đi, nhiều loại cây cổ thụ cũng phải trút bớt lá để tự bảo vệ mình, mà cái loại hoa mảnh mai yếu ớt kia lại vẫn viên mãn trào dâng hứng khởi thế. Và có lẽ vì thế mà dã quỳ chỉ đẹp khi kết với nhau thành từng thảm, và cũng chả thấy ai hái dã quỳ cắm trong lọ bao giờ.  Về độ cao so với mặt nước biển, Pleiku chỉ thua Đà Lạt, nên gió ở đây luôn ào ạt là thế. Thêm nữa, cao nguyên Pleiku được hình thành nên từ hàng trăm miệng núi lửa, mà 2 miệng núi to nhất, chính là Biển Hồ (Tơ noeng) và núi Hàm Rồng (Chư H’drong). Thậm chí có tài liệu nói rằng thể tích 2 nơi này bằng nhau, như kiểu tạo hóa, trong một cơn phấn khích nào đó, đã bứng Biển Hồ đặt vào Hàm Rồng trên một đường thẳng Bắc Nam đối xứng. Riêng tôi đồ chừng, có khi nhờ cái thứ nham thạch từ hàng triệu năm còn sót lại ấy mà dã quỳ nơi đây đẹp hơn các nơi khác chăng? Và ngay ở Pleiku thôi, thì dã quỳ ở 2 nơi này, là xung quanh Biển Hồ và núi Hàm Rồng ấy, luôn đẹp hơn các nơi khác. Nó vàng tươi cái màu vàng bất tử chứ không lem nhem vàng như các nơi khác. Cũng như thế, nó tung tẩy cùng gió, mềm mại cùng gió, và thản nhiên đến tận cùng sự tự tin trước cái khắc nghiệt của thiên nhiên, để luôn luôn kiêu hãnh trước sự thán phục của con người.

Và vì thế mà đã im lặng suốt bao nhiêu mùa dã quỳ, chỉ lặng lẽ ngắm chứ không động phím động chữ nữa, mà giờ lại phải ngồi gõ những dòng này, bởi tôi đã lại có mấy ngày chìm đắm trong nó, khi trở thành người dẫn đường và cả thuyết minh cho bạn bè về dã quỳ. Liên tục những trầm trồ ồ à, máy ảnh máy quay phim hoạt động hết công suất, tôi đưa các bạn dọc ngang không chỉ Pleiku, mà xuyên qua nhiều huyện của Gia Lai, những nơi (may mắn) còn hoang sơ nhất trong khả năng có thể, bazan còn tươi nhất, gió còn nguyên trinh nhất, nắng còn thơm thảo nhất... để ngắm, để chiêm nghiệm, để tường minh cái sức sống kỳ lạ của dã quỳ trước sự khắc nghiệt của tự nhiên.

Và cũng để thấy rằng, té ra dã quỳ cuối mùa cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Những khẳng khiu khô đét nhưng vẫn vươn lên trời như một minh chứng cho sự bất tử của dã quỳ, những tương phản giữa nắng tươi mỡ màng và màu đen của xác hoa, của quả, những tạo hình kỳ dị như dệt như đan thành những vệt kỷ hà giữa trời xanh nắng vàng và gió khiến con người phải ngác ngơ tự hỏi, lẽ nào cho đến phút cuối của cuộc đời, dã quỳ vẫn còn muốn gửi gì đó vào trời xanh, vào thiên nhiên những khát vọng vươn tới và cả khát khao về sự tự do bất diệt của mình.

Và, lá bắt đầu xanh. Khi hoa bắt đầu khô thì lá lại mướt. Một vòng dã quỳ như thế, mãi mãi là như thế, để nó trở thành một biểu trưng sống mãi của thượng đế gửi xuống cuộc đời này, nhắn con người cái ý chí không bao giờ khuất phục, cái  cách biết tự nuôi mình, dưỡng mình để mãi non tơ trong khắc nghiệt, mãi mãi biết tự tái tạo để luôn luôn những vòng đời hữu ích khi nó phô bày cái đẹp bất vụ lợi trong sự ngạc nhiên đến bình thản của con người..


Bài, ảnh: Văn Công Hùng
Ý kiến của bạn
Tags: