Đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen biết

01-06-2017 08:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.

 

Thông tin tại hội thảo “Tiếp cận, chăm sóc và phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em” do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức hôm qua, PGS.TS Lê Thanh Hải- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm cho trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung trong đó có xâm hại tình dục diễn ra có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, sinh lý cho nạn nhân, tạo ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt thực tế hiện nay, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới.

“Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Đây là những con số mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là vấn đề báo động cho toàn xã hội”- PGS.TS Lê Thanh Hải thông tin.

Trên thực tế, theo giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới, và đặc biệt đa số các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm và đôi khi cả người thân.

Trong 1.000 vụ trẻ em bị xâm hại thì có đến gần 58% là trẻ em gái là nạn nhân

Sau khi bị xâm hại các nạn nhân, đặc biệt trẻ em thường không hoặc không dám kể về những gì đã bị xảy ra với họ. Họ phải âm thầm chịu đựng trong khổ đau và lo sợ kéo dài đến hàng tháng, hàng năm. Hậu quả của việc xâm hại gây tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho trẻ ở các mức độ khác nhau ảnh hưởng nặng nề không chỉ hiện tại mà ám ảnh suốt quãng đời còn lại của trẻ.

“Ảnh hưởng của xâm hại tình dục trẻ em hết sức nghiêm trọng không những đối với bản thân nạn nhân mà còn gây sự bất an đối với gia đình và xã hội”- ông Hải khẳng định. Do đó, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị xâm hại cần nhiều giải pháp đồng bộ, bền vững cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó đối với nạn nhân, gia đình, xã hội. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình.

Cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Lê Minh Hương- Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, Ban chuyên môn chăm sóc và bảo vệ trẻ em bị xâm hại của bệnh viện đã được thành lập từ năm 2011 gồm 21 thành viên bao gồm các khoa phòng liên quan. Ban này có chức năng của xây dựng quy trinh hoạt động, đào tạo nâng cao nhận thức, nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ liên quan. “ Hoạt động bảo chăm sóc và bảo vệ trẻ em bị xâm hại trong Bệnh viện được thực hiện phối hợp chặt chẽ nhằm mục đích: Tiếp cận, điều trị và chăm sóc trẻ nhanh và toàn diện. Tránh cho trẻ và gia đình các sang chấn về tinh thần do phải nhớ lại các sự kiện bị xâm hại”- PGS.TS Lê Minh Hương nói.

Thời gian qua, ban chuyên môn này cùng nhiều thầy thuốc của Bệnh viện Nhi Trung ương đã sàng lọc và đánh giá các trường hợp xâm hại trẻ em, tiến hành điều trị tổn thương thực thể, tổn thương tâm lý cho các trẻ bị xâm hại; Giáo dục và tư vấn cho gia đình/người bảo trợ trẻ về cách phòng tránh tái xâm hại, đồng thời kết nối với các Bộ, Ban ngành và các tổ chức trong cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ khi bệnh viện xuất viện. Ngoài ra, ban này cũng phối hợp với công an trong các trường hợp nghi ngờ có tính chất tội phạm.


Thái Bình
Ý kiến của bạn