Vì sao phần lớn các ca mắc hầu hết là nam giới
Theo TS. BS. Vũ Quốc Đạt (Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), quan hệ tình dục, tiếp xúc với da và niêm mạc của người bệnh là con đường truyền nhiễm thường gặp ở đậu mùa khỉ. Với những bệnh lây qua đường tiếp xúc như đậu mùa khỉ thì quan hệ tình dục là con đường trực tiếp nhất làm cho những người quan hệ tình dục với người mang bệnh bị lây nhiễm.
Ở Việt Nam, đa phần các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đều là những người được xếp vào nhóm có nguy cơ bao gồm:
- Những người thuộc nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới)
- Những người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV
Các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ
Có những trường hợp bệnh đậu mùa khỉ không có triệu chứng. Với những người khỏe mạnh mắc đậu mùa khỉ, bệnh có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 21 ngày. Thông thường, bệnh phát triển theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh (thường kéo kéo dài từ 6 -13 ngày hoặc có thể dao động từ 5 - 21 ngày): Lúc này người nhiễm bệnh không xuất hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm cho người khác.
- Giai đoạn khởi phát (từ 1-5 ngày): Người bệnh có một số triệu chứng như sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi. Lúc này, người bệnh có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác.
- Giai đoạn toàn phát: Thường gặp sau khi có dấu hiệu sốt từ 1-3 ngày, cơ thể người bệnh xuất hiện các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Các tổn thương này có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Ban đầu các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ sau đó đóng vảy, khô lại và bong vảy. Trong một số trường hợp nặng, các tổn thương có thể xảy ra dưới dạng một mảng da lớn.
- Ở giai đoạn hồi phục: Các nốt mụn sau khi khô và bong vảy sẽ hình thành một lớp da mới. Người bệnh hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ?
Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ có thể giống với một số bệnh lý khác như chân tay miệng, thủy đậu… Tuy nhiên, với người mắc đậu mùa khỉ - là bệnh truyền nhiễm cấp tính cần được cách ly và điều trị tại cơ sở y tế.
Do vậy khi có những dấu hiệu mắc đậu mùa khỉ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và cách ly nếu mắc bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.