Hà Nội

Đa ối khi mang thai có nguy hiểm không?

06-11-2024 15:37 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Đa ối là vấn đề thường gặp, có thể gặp trong khoảng 1 - 4% tổng số thai kỳ, khi lượng nước ối của bào thai vượt quá mức bình thường. Vậy, đa ối có nguy hiểm không?


Đa ối do đâu?

Nguyên nhân gây nên tình trạng đa ối có thể kể đến như: Đái tháo đường thai kỳ. Các bất thường về giải phẫu bào thai hoặc phù thai. Rối loạn về di truyền (thường gặp như hội chứng Down, Edward, Patau). Đa thai và hội chứng truyền máu song thai.

Ngoài ra, đa ối còn có nguyên nhân do thiếu máu bào thai. Bất tương hợp yếu tố Rhesus. Nhiễm trùng bào thai (Rubella, Toxoplasma, CMV, giang mai, parvovirus). Mẹ bị rối loạn chuyển hóa (như tăng calci máu) và một số bệnh lý hiếm gặp khác (như hội chứng Bartter, Dandy Walker) cũng gây đa ối khi mang thai.

Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, đa ối nhẹ thường không có nguyên nhân chiếm khoảng 40% trường hợp. Nguyên nhân thường được tìm thấy ở những trường hợp đa ối mức độ từ trung bình đến nặng.

Đa ối khi mang thai có nguy hiểm không?- Ảnh 1.

Đa ối khiến cho tử cung to quá mức, gây chèn ép vào niệu quản ở 1 hoặc 2 bên.

Đa ối ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?

Đa ối có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh cụ thể như:

  • Chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối non.
  • Sa dây rốn.
  • Nhau bong non.
  • Các bất thường về ngôi thai.
  • Tăng tỉ lệ mổ lấy thai.
  • Băng huyết sau sinh do tử cung gò kém.
  • Mẹ có thể khó thở, đau lưng bởi lượng nước ối quá nhiều.

Đa ối thường không gây triệu chứng, tuy nhiên một số trường hợp lượng nước ối tăng quá nhiều có thể gây khó thở hoặc không thoải mái cho sản phụ.

Tuy nhiên thai phụ không nên quá lo lắng, phần lớn trường hợp đa ối nhẹ chỉ cần điều trị theo dõi. Một số trường hợp nặng, sản phụ cần được can thiệp để giảm lượng nước ối dư thừa. Thủ thuật chọc ối có thể cần thiết để rút bớt lượng ối dư thừa ra ngoài. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải kiểm soát nguyên nhân gây đa ối. Ví dụ như ổn định đường huyết trong trường hợp có đái tháo đường thai kỳ.

Tiên lượng của một thai kỳ có đa ối tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đa số các trường hợp đa ối nhẹ và vô căn có tiên lượng tốt.

Mục tiêu của việc điều trị là ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra với thai nhi và giảm các triệu chứng của mẹ do lượng nước ối nhiều quá mức. Thuốc hỗ trợ phổi có thể được sử dụng để bảo vệ em bé nếu có nguy cơ sinh non trước 43 tuần.

Siêu âm có giúp chẩn đoán đa ối không?

Triệu chứng của đa ối trong phần lớn các trường hợp thường rất kín đáo, lượng nước ối tăng lên một cách từ từ, thai phụ có thể không cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể. Những trường hợp này nhờ vào những lần đi khám thai định kỳ mà vô tình phát hiện ra tình trang đa ối.

Đa ối khi mang thai có nguy hiểm không?- Ảnh 2.

Siêu âm là đánh giá chẩn đoán quan trọng nhất đối với đa ối.

Đôi khi, đa ối xuất hiện trong bệnh cảnh hết sức cấp tính, khiến cho thai phụ đột ngột đau bụng, cảm giác khó thở. Những trường hợp này khiến cho thai phụ hết sức lo lắng, mạch nhanh, và có thể khám thấy tình trạng phù toàn thân.

Đa ối khiến cho tử cung to quá mức, gây chèn ép vào niệu quản ở 1 hoặc 2 bên, dẫn đến tình trạng thiểu niệu.

Siêu âm là đánh giá chẩn đoán quan trọng nhất đối với đa ối. Do siêu âm cho phép đánh giá trực tiếp khối lượng nước ối, nó cũng cho phép đo độ sâu xoang ối lớn nhất và xác định chỉ số nước ối (AFI). Theo cách này, có thể phân loại độ nhẹ, trung bình hoặc nặng của đa ối.

Tóm lại: Đa ối là tình trạng khá thường gặp ở thai kỳ, đa phần các trường hợp không phải là vấn đề nguy hiểm nghiêm trọng. Để đánh giá mức độ nguy hiểm và xem xét can thiệp, cần dựa trên kết quả chẩn đoán và đánh giá của bác sĩ. Mẹ bầu bị đa ối cần theo dõi cẩn thận hơn trong suốt thai kỳ, đặc biệt là những tháng cuối để ngăn ngừa biến chứng.

Ngoài việc thực hiện chỉ định của bác sĩ, để cải thiện tình trạng dư nước ối, mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Bổ sung đủ 2,5l nước mỗi ngày và hạn chế dùng muối sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng dư thừa nước ối.

Chú ý theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể và thông báo này cho bác sĩ biết. Đặc biệt là khi mẹ nhận mình thấy bị rỉ ối, bụng trở nên căng cứng và khó thở không rõ nguyên nhân.

Cách xác định đa ốiCách xác định đa ối

SKĐS - Con gái tôi có thai con so, đến nay thai ở tháng thứ 8, vẫn khỏe mạnh đi khám thai định kỳ ở bệnh viện quận, chẩn đoán là đa ối, đề nghị được khám ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân, cách xác định đa ối?


BS. Trần Thị Kim
Ý kiến của bạn