Đá núi Đồng Văn

02-01-2015 6:00 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Không người Mông đã chắc có Đồng Văn Không núi đá

Không người Mông đã chắc có Đồng Văn

Không núi đá

Đồng Văn đã chắc đâu hùng vĩ

Chắc đâu đủ say Nguyễn Tuân gieo chữ ở Lũng Cú

Xuân Diệu cưỡi Mã Pì Lèng dốc bầu thơ!

Dưới sâu xa kia

Dòng Nho Quế ngàn năm lững lờ

Màu cương giới sao thân thương Tổ quốc

Đất ở đây trời chỉ cho từng hốc

Đá ken nhau nên núi nên cao nguyên

Có dân tộc nào như người Mông hỡi em

Sinh trên đá

Đợi bạn tình trên đá

Hiếm hoi cây nên khan từng chiếc lá

Đặt lên môi thành tình tứ thành lời!...

Mỗi hốc đá một hạt ngô sinh sôi

Nuôi chàng trai Mông hỏi bao hốc ngô đồ mèn mén

Mà những mái nhà phiêu diêu như tổ con chim yến

Miên man thành vách đá núi Đồng Văn.

Triệu Kim Văn                                                              

            (Lối cỏ - NXB Hội nhà văn 10/2004)   

Lời bình:

Khổ thơ đầu, tác giả đã tạo một thế liên lập giữa con người (người Mông), thiên nhiên, (từ một hùng vĩ Đồng Văn đó mà có) văn hóa (văn Nguyễn Tuân, thơ Xuân Diệu). Ý tưởng không mới, nhưng cách nói hay!

Đặc biệt tác giả dùng gieo chữ như người Mông gieo ngô vậy. Cũng bởi ở nơi đá nhiều hơn đất, cứ tìm được một hốc đất là người Mông gieo một hạt ngô. Từ gieo đã như một ám ảnh trong mỗi giấc ngủ, bữa ăn của người Mông, đã đành, dùng gieo chữ cũng đúng nữa. Trang văn Nguyễn Tuân,  trang thơ Xuân Diệu mấy đời con cháu người Mông ăn học vẫn còn đó! Có hết đâu! Người Mông đâu chỉ đói ngô, còn đói cả văn hóa!

Đất ở đây trời chỉ cho từng hốc! 

Tôi nhớ lần đầu tiên lên Đồng Văn, thấy từng vạt đá gần như dốc ngược, nhưng mỗi kẽ đá là một cây ngô, tôi liên tưởng như những bàn cờ mà trời với người vào cuộc tự bao đời. Quân của trời là đá, quân của người là ngô, cứ giành giật nhau kẻ thắng người thua, nhưng người cuối cùng vẫn thắng để người Mông sinh sôi nẩy nở gieo ngô, gieo chữ. Đó! Tập thơ Lối cỏ, trong có bài Đá núi Đồng Văn, chính người dân tộc đã tự gieo cho mình nào phải Nguyễn Tuân, Xuân Diệu!

Sinh trên đá

Đợi bạn tình trên đá

Hiếm hoi cây nên khan từng chiếc lá

Đặt lên môi thành tình tứ thành lời!...

Trước tôi thường nghĩ như bao người vùng xuôi: “nhiều như lá trên rừng”, các tỉnh mạn ngược dù Đông Bắc hay Tây Bắc có bao gìờ thiếu lá!

Ai hay có nơi như cao nguyên Đồng Văn lá cũng hiếm, nhưng với tâm hồn thơ mộng, người Mông đã biến những chiếc lá hiếm thành chiếc kèn lá Đặt lên môi thành tình tứ, thành lời. Câu thơ đẹp như vậy, cách tu từ giản dị mà thơ như vậy, đến thi sĩ vùng xuôi, sau lưng cả một nền văn hóa hỗ trợ cũng mong được câu như thế! Đặt lá lên môi thành âm thanh mới là cấp độ một, thành lời là cấp độ hai, thành tình tứ mới là cao tay, diệu nghệ!

Những họa sĩ bậc thầy thường vác giá vẽ lên đây mong có được tác phẩm bày triển lãm. Xin hãy ngắm bức phác thảo này của Triệu Kim Văn khái quát về quê hương Đồng Văn tuy không giàu ngô lúa nhưng rất giàu thi, họa:

Mà những mái nhà phiêu diêu như tổ con chim yến

Miên man thành vách đá núi Đồng Văn.

Vân Long

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH