Hà Nội

Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

05-10-2022 18:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các cơ sở y tế phải rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, vật tư để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 5/10, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đã có công văn yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật, các đơn vị trực thuộc Sở và các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở xét nghiệm trên địa bàn TP tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị, cơ sở y tế rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh.

Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống để phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống để phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: GA

Đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật phải tăng cường thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch kịp thời. 

Khi ghi nhận trường hợp bệnh, lập tức phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp đáp ứng, giám sát, điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm. 

Quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong. Sở cũng lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Theo Bác sĩ Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, đáp ứng khẩn cấp, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng thì ngành y tế đã đưa ra các phương án phòng, chống.

Cụ thể, ngành Y tế Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống dịch bệnh gồm: tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại thành phố; tình huống 2 là đã xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố và tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng. Đối với mỗi tình huống dịch bệnh sẽ có phương án đáp ứng riêng.

Tình huống 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh tại TP thì các hoạt động phòng, chống dịch tại cửa khẩu phải được thắt chặt, giám sát kỹ, nhất là tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải. Tại khu vực nhập cảnh tiến hành giám sát thân nhiệt, quan sát thực tế hoặc qua khai báo của người nhập cảnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, kịp thời xử lý.

Tình huống 2 khi các ca bệnh xâm nhập vào TP thì phải tập trung xử lý quyết liệt. Trong đó, người tiếp xúc với bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo… Sử dụng riêng biệt các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh…

Chủ động rà soát, điều tra mở rộng xung quanh tại các điểm nguy cơ cao (nơi ở, nơi làm việc…), tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cảnh giác để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ. Đối với người tiếp xúc gần phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối (nên đo nhiệt độ 2 lần/ngày).

Tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng thì tổ chức khoanh vùng ổ dịch, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế, các đội chống dịch cơ động hỗ trợ, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh…


Gia An
Ý kiến của bạn