Thời gian gần đây, mỗi ngày thành phố Đà Nẵng ghi nhận từ 4 đến 6 ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng. Thành phố xác định, xét nghiệm vẫn là biện pháp cơ bản để sớm phát hiện và kiểm soát dịch hiệu quả trong thời điểm hiện tại.
Do đó, chỉ trong thời gian 3 ngày từ ngày 7 - 10/11, thành phố đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ và 30% số hộ gia đình trên toàn thành phố với khoảng 129.000 lượt người, ghi nhận 19 ca mắc.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, cùng với nỗ lực của chính quyền và các lực lượng chức năng, thì sự chủ động của người dân trong việc khai báo, đi xét nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Thực tế cho thấy việc người dân chủ động đi khai báo, xét nghiệm SASR-CoV-2 đã giúp công tác kiểm soát dịch bệnh của TP. Đà Nẵng đạt được những hiệu quả nhất định. "Việc kiểm soát dịch ở thành phố thông qua công tác xét nghiệm vẫn là cơ bản. Ví dụ như có trường hợp khi phát hiện có người dân bị mắc COVID-19 mà cơ quan chức năng truy vết không hết, người dân tiếp xúc ca mắc tự giác xin đi cách ly và xét nghiệm. Rõ ràng những trường hợp như thế cần phải tuyên truyền khuyến khích, động viên người dân có ý thức như vậy thì mới tránh được nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng", ông Nguyễn Văn Quảng cho biết.
Thời gian gần đây nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng đã chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm SASR-CoV-2. Ghi nhận tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân, hàng ngày có nhiều người đến làm thủ tục xét nghiệm, hầu hết những người này đều xuất phát từ nhu cầu cá nhân do nghi ngờ mình đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.
Bà Lưu Thị Kim Lan, ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đến xét nghiệm tại đây cho biết: "Nếu thấy mình nghi ngờ đã tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 thì nên đi xét nghiệm. Tôi thấy người dân nên chủ động đi xét nghiệm SASR-CoV-2. Điều đó tốt cho bản thân mình, cho những người thân của mình và cho xã hội".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 là gì? | SKĐS