Hà Nội

Đà Nẵng nới lỏng các hoạt động xã hội, vẫn cảnh giác phòng dịch

11-09-2020 08:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu kỹ các phương án, cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực trên tinh thần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Công văn số 6055/UBND-SYT UBND TP Đà Nẵng, kể từ 0 giờ ngày 11/9 cho đến khi có thông báo mới, Đà Nẵng tiếp tục chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo Điều 5, Quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, ban hành kèm theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 4/9/2020 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về việc Ban hành Quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn trong “trạng thái có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp”...

Ông Lê Trung Chinh đề nghị các quận, huyện của Đà Nẵng: Các địa phương căn cứ theo tình hình thực tế và các quy định được nêu rõ để triển khai các biện pháp cần thiết. Ngoài ra, thời gian tới, học sinh các cấp sẽ đi học trở lại, vì vậy, ngành giáo dục phải chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là phòng, chống dịch để các em trở lại trường. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực tuyên truyền các chủ trương của thành phố để nhân dân hiểu những kết quả đạt được cũng như kế hoạch trong thời gian đến và không được chủ quan trước diễn biến của dịch bệnh.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: 70.972 trường hợp đại diện hộ gia đình trên địa bàn được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đều có kết quả âm tính. Đây là tất cả số người được xét nghiệm giai đoạn 1 theo kế hoạch xét nghiệm đại diện hộ gia đình do thành phố triển khai từ ngày 3/9.

Đà NẵngCông suất xét nghiệm của Đà Nẵng đã dần đảm đương được yêu cầu chống dịch trong tình hình mới.

Trước đó, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 5857/KH-UBND về việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng theo hộ gia đình tại Đà Nẵng nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng để nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch lây lan; góp phần cung cấp thêm thông tin về tình hình COVID-19 trên địa bàn thành phố, làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn sắp tới.

Đối tượng được xét nghiệm là cá nhân đại diện cho từng hộ gia đình chưa được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các khu dân cư trên địa bàn, gồm chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình, là người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất trong hộ gia đình (người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây; người có tiếp xúc với nhiều người trong xã hội; hộ có công nhân, sinh viên thuê trọ; hộ có đông nhân khẩu...). Người trên 18 tuổi, bảo đảm sức khỏe để lấy mẫu tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung.

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện việc xét nghiệm đối với các trường hợp có nguy cơ như kế hoạch đã đề ra. Căn cứ vào tình hình thực tế của những người có dấu hiệu ho, sốt, có yếu tố dịch tễ, CDC Đà Nẵng sẽ quyết định tổ chức cách ly hay không cách ly. Trong thời gian tới, các hoạt động giao thương, đi lại sẽ nhiều, ngành y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 sẵn sàng phương án bố trí các khu vực cách ly y tế. “Khi các hoạt động trở lại gần như bình thường, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì số lượng F1 có thể lên đến hàng trăm người. Chính vì vậy, cần chuẩn bị phương án cách ly, theo dõi đối với những trường hợp nghi nhiễm để khoanh vùng, xác định nguy cơ”.

Hiện nay, Đà Nẵng đang sử dụng 2 cơ sở cách ly tập trung là Khu ký túc xá phía Tây thành phố (quận Liên Chiểu) và khu nhà ở công nhân tại quận Cẩm Lệ. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của TP. Đà Nẵng giao UBND các địa phương này chuẩn bị phương án, kế hoạch, sẵn sàng trong trường hợp phải cách ly số lượng lớn những trường hợp nghi nhiễm. Ngoài ra, ngành du lịch có nhiệm vụ làm việc với các khách sạn đăng ký làm nơi cách ly có thu phí, sẵn sàng phương án, bố trí nhân lực, đồng thời công khai, minh bạch mức giá khi thực hiện cách ly.

TP Đà Nẵng tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau: Lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện…tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người; khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người.
Tiếp tục tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, các điểm vui chơi, giải trí có thưởng, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử; hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động bơi lội tại các bể bơi trong nhà, ngoài trời; hoạt động thể thao võ thuật tiếp xúc trực tiếp.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số số 2194/QĐ ngày 27/5/2020 và Quyết định số 2225/QĐ ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Nguyễn Dũng
Ý kiến của bạn