Ngày 24/9, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp (DN), qua đó công bố các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Cần sớm mở cửa, có hỗ trợ tài chính và lưu thông hàng hóa
Chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho hay, các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định thì doanh thu sụt giảm từ 5-20%, nhưng các doanh nghiệp nhỏ chưa có thị trường ổn định thì gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các công ty có thị trường trong nước thì gần như không có hợp đồng mới.
Ông Việt bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ về chi phí vận hành thông qua việc giảm một phần chi phí tiền điện, băng thông internet; thuê hạ tầng; hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để các doanh nghiệp khó khăn có thể duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp được tự thực hiện việc test nhanh COVID-19 sau khi được cơ quan y tế tập huấn, hướng dẫn lấy mẫu; cơ quan y tế sớm ban hành quy trình hướng dẫn xử lý khi cơ sở sản xuất có ca mắc COVID-19; có các chính sách phù hợp để không gây gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu (các thiết bị điện tử, máy móc, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc cần phải bảo trì nhưng gặp khó khăn trong vận chuyển…).
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng, mong muốn TP sớm xây dựng các kịch bản chống dịch trong giai đoạn mới cùng các chính sách để cộng đồng DN nắm rõ. "Nhất là ban hành chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng vay ưu đãi, DN được vay không thế chấp. Ngoài ra, cần có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trước ảnh hưởng dịch COVID-19 và không điều chỉnh tăng giá đất trong giai đoạn này" - bà Phương nói.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng kiến nghị Thành phố đề xuất với Trung ương giảm thuế đồng bộ cho các doanh nghiệp, chứ không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cũng chỉ mang tính tạm thời. Để có thể phục hồi bền vững, doanh nghiệp kiến nghị Thành phố cần báo cáo với Trung ương có giải pháp nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa, tăng sức mua thị trường nội địa...
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, hiệp hội kiến nghị giảm 50% thuế GTGT, thuế thu nhập; giãm lãi suất cho vay ở tất cả các khoản; miễn chi phí kiểm định, phí đường bộ.
Hiện DN của ông Nguyễn Văn Hiền kinh doanh ở các tỉnh miền Trung nhưng hơn 3 tháng qua, ông không thể rời Đà Nẵng để đi công tác ở các địa phương khác vì thủ tục rắc rối. Ông đề nghị TP Đà Nẵng sớm có cơ chế mở cửa để tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh, thành lân cận.
Trong khi đó, ông Trần Minh Dõng, Tổng Giám đốc Công ty Viettronimex Đà Nẵng, kiến nghị TP xây dựng các phương án lấy "phòng" làm gốc, thực hiện mạnh mẽ 5K và tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Để giảm áp lực cho DN, chính quyền địa phương cần cho người dân và DN tự xét nghiệm để phân loại F0, thu hẹp vùng phong tỏa...
Cam kết đơn giản hóa thủ tục, khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, đã công bố các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động phục hồi sản xuất - kinh doanh mà các sở, ngành đã nghiên cứu để áp dụng trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ 30% phần lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ được vay Quỹ Đầu tư Phát triển với lãi suất 0% trong thời gian 24 tháng.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cam kết hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho lao động của DN theo kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế; hỗ trợ tiêm vắc-xin cho lao động mới. TP còn nghiên cứu điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt, điều chỉnh, bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất; cho giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng dịch COVID-19; cho phép gia hạn thuê đất thêm 1 năm đối với DN thuê đất theo hiện trạng sử dụng.
Để DN tiếp cận được các thủ tục, UBND TP sẽ thành lập các đường dây nóng công khai. Nếu có vướng mắc, các DN có thể gửi thẳng cho sở, ngành hoặc lãnh đạo TP. Ông Minh cũng cam kết UBND TP sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về lãi suất, vốn vay cho DN.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ: "Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền Thành phố đã cố gắng triển khai các giải pháp tốt nhất trong khả năng cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh".
Ông Lê Trung Chinh khẳng định: "Cũng giống như phương châm chống dịch "không để ai bị bỏ lại phía sau", lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ nỗ lực để "không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau", tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng".
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, sắp tới Thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ với những điều kiện cụ thể. Thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội, đặc biệt triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bảo đảm hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.