1. Giữ da sạch và đủ ẩm trước khi trang điểm
- Trước khi trang điểm, điều đầu tiên và quan trọng nhất là làm sạch da đúng cách. Với da mụn, nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn hay chất tẩy rửa mạnh để loại bỏ dầu thừa.
- Sau bước làm sạch, bạn cần dùng toner dịu nhẹ, chứa các thành phần như niacinamide, BHA hoặc chiết xuất trà xanh để cân bằng độ pH, se khít lỗ chân lông, kháng viêm, giảm sưng đỏ.
- Tiếp theo là kem dưỡng ẩm: Nhiều người sở hữu làn da dầu, mụn thường bỏ qua bước dưỡng ẩm vì lo ngại tình trạng bết dính, bít tắc lỗ chân lông. Thực tế, da thiếu ẩm sẽ càng tiết nhiều dầu hơn, khiến lớp trang điểm dễ trôi và dễ gây mụn. Bạn nên chọn kem dưỡng có kết cấu gel mỏng nhẹ, thấm nhanh, không chứa dầu và không gây mụn (non-comedogenic).

Với da mụn, nên chọn kem dưỡng có kết cấu gel mỏng nhẹ, thấm nhanh, không chứa dầu và không gây mụn.
2. Lựa chọn sản phẩm trang điểm phù hợp với da mụn
Đối với da mụn, khi lựa chọn bất cứ sản phẩm dưỡng da, trang điểm, cần ưu tiên các loại được gắn nhãn “non-comedogenic”, “oil-free”, hoặc “for acne-prone skin” – không gây tắc nghẽn lỗ chân lông và không làm nặng thêm tình trạng mụn. Tránh các sản phẩm nền có chứa hương liệu, cồn khô, hoặc silicon nặng vì chúng có thể khiến da bí và nổi mụn nhiều hơn.
Nếu bạn muốn lớp nền bền lâu, che phủ tốt, nên sử dụng kem lót. Với da mụn, hãy chọn kem lót có chứa salicylic acid hoặc niacinamide để vừa làm dịu vùng da viêm, vừa kiểm soát dầu.
Khi chọn kem nền hoặc phấn, nên tìm các sản phẩm có độ che phủ vừa phải, dễ tán, không quá dày để tránh làm nổi rõ mụn ẩn và lỗ chân lông. Sử dụng cọ hoặc bông mút ẩm để tránh tác động lực lên da, giúp lớp nền đều màu và tự nhiên hơn.
3. Kỹ thuật đánh nền để che mụn không gây bí da
Thay vì đánh một lớp nền dày toàn mặt, bạn nên tập trung đánh nền mỏng ở những vùng da khỏe và tăng độ che phủ tại vùng có khuyết điểm. Khi tán nền, dùng bông mút đã làm ẩm sẽ giúp sản phẩm tiệp vào da hơn và ít gây ma sát.
Với vùng da mụn hoặc có sẹo đỏ, bạn nên dặm nhẹ, không miết kéo sản phẩm, tránh gây tổn thương vùng mụn và giúp lớp nền bám đều hơn. Nếu có nhiều nốt mụn đỏ, có thể sử dụng kem che khuyết điểm màu xanh lá để trung hòa sắc đỏ trước khi đánh nền.
Phấn phủ cũng là bước quan trọng giúp cố định lớp nền nhưng cần lựa chọn loại phù hợp. Với da mụn, nên chọn phấn dạng bột mịn thay vì phấn nén dày. Các sản phẩm có thành phần khoáng tự nhiên hoặc chứa zinc oxide sẽ giúp hút dầu và hỗ trợ làm dịu da mụn. Chỉ nên phủ phấn ở vùng chữ T hoặc nơi đổ dầu, không nên dặm toàn mặt quá dày.
Nếu da nhiều mụn viêm và đang trong giai đoạn kích ứng, chỉ nên trang điểm nhẹ hoặc chỉ dùng kem che khuyết điểm cục bộ. Việc đánh nền quá kỹ vào lúc này có thể khiến tình trạng mụn nặng thêm, thậm chí để lại thâm sẹo sau đó.

Khi tán nền, dùng bông mút đã làm ẩm sẽ giúp sản phẩm tiệp vào da hơn và ít gây ma sát.
4. Tẩy trang và chăm sóc sau khi trang điểm
Sau một ngày trang điểm, cần đảm bảo tẩy trang kỹ lưỡng để da mụn không trở nên tệ hơn. Ưu tiên các sản phẩm tẩy trang dịu nhẹ dành cho da mụn, hoặc dầu tẩy trang có khả năng nhũ hóa tốt, không gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Không nên chà xát mạnh tay trong quá trình tẩy trang, đặc biệt ở vùng có mụn đang viêm.
Sau khi tẩy trang, hãy tiếp tục làm sạch với sữa rửa mặt phù hợp và dùng khăn mềm thấm khô da. Tùy vào chu trình chăm sóc da của mỗi người, các bước tiếp theo có thể gồm toner, sản phẩm đặc trị (như serum BHA, retinol hay thuốc chấm mụn).
Ngoài ra, bạn nên tẩy tế bào chết 1-2 lần mỗi tuần để loại bỏ bã nhờn và cặn trang điểm còn sót lại trong lỗ chân lông. Ưu tiên sản phẩm có AHA/BHA dạng dịu nhẹ, giúp cải thiện bề mặt da và hỗ trợ điều trị mụn hiệu quả hơn.
Đừng quên vệ sinh cọ, mút trang điểm ít nhất 1–2 lần/tuần. Dụng cụ bẩn chính là nguyên nhân phổ biến gây mụn ẩn, mụn viêm mà nhiều người thường bỏ qua. Sử dụng dung dịch chuyên dụng hoặc xà phòng diệt khuẩn, phơi nơi khô thoáng để đảm bảo an toàn cho da.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Các thực phẩm giàu kẽm giúp cải thiện làn da mụn | SKĐS